Tìm thế mạnh phát triển thể thao địa phương

Với mục tiêu tham vọng là vào tốp 15 Asiad và tốp 50 Olympic, thể thao Việt Nam cần có sự tham gia sâu hơn từ các bộ ngành. Đặc biệt là thúc đẩy vai trò của các địa phương trong việc đầu tư vào các môn thi đấu trọng điểm,...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại hội nghị bàn về các biện pháp triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 do Bộ VH-TT-DL tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân đánh giá, với mục tiêu tham vọng là vào tốp 15 Asiad và tốp 50 Olympic, thể thao Việt Nam cần có sự tham gia sâu hơn từ các bộ ngành. Đặc biệt là thúc đẩy vai trò của các địa phương trong việc đầu tư vào các môn thi đấu trọng điểm, thế mạnh của từng tỉnh thành và nâng tỷ trọng xã hội hóa cho các sự kiện đăng cai.

Tại TPHCM, hiện các giải đấu/sự kiện thể thao đỉnh cao chỉ mới thu hút được khoảng 20% nguồn tài chính từ xã hội hóa, trong khi mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là 50%. Dù là một trong những “trụ cột” chính đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, nhưng chính TPHCM cũng đang và sẽ phải chọn lọc các môn thể thao thế mạnh, phù hợp với tính chất đô thị cũng như điều kiện tại chỗ, qua đó mới tăng được tỷ trọng xã hội hóa cho các môn trọng điểm.

Việc phân bổ đầu tư các môn thể thao về những địa phương có thế mạnh cũng phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Đối với các mục tiêu phát triển kinh tế thể thao thông qua hoạt động tổ chức giải đấu/sự kiện có kết hợp với thúc đẩy kinh tế địa phương, cần tiến tới xây dựng những cơ sở vật chất mới đủ khả năng đăng cai các sự kiện quốc tế và Asiad. Đơn cử như các giải chạy marathon thường sẽ diễn ra tại các đô thị có tiềm năng du lịch để tối ưu “mục tiêu kép” của thể thao và quảng bá hình ảnh, dần dần xây dựng được thương hiệu của giải chạy gắn với địa danh được khách quốc tế biết đến.

Ngược lại, mới đây có giải vô địch bắn cung toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc. Gần như không có thông tin quảng bá gì về giải đấu, địa phương Vĩnh Phúc cũng không có phong trào mạnh, hay sở hữu điều kiện thi đấu khác biệt so với các nơi khác, nên sức lan tỏa chưa đáng kể. Trong khi đó, đa số các trường bắn cung hiện đại nằm ở Hà Nội và TPHCM. Đây là một môn Olympic mà thể thao Việt Nam đang chọn để đầu tư trọng điểm, song lại không quá phổ biến ở mọi khu vực dân cư. Vì vậy, nên chăng không thể cứ địa phương nào xin đăng cai để phát triển phong trào thì giao đăng cai mà không tính tới hiệu quả một cách rõ ràng.

Ở góc độ khác, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 được xem là cơ hội tăng tốc cho thể thao địa phương. Lấy ví dụ như môn bóng đá, dù rất phổ biến nhưng hiện chỉ có 9 tỉnh, thành là có câu lạc bộ chuyên nghiệp thi đấu ở V-League. Qua đó cho thấy nguồn lực từ ngân sách địa phương không thể ôm đồm mọi môn thể thao, hoặc có muốn cũng không thể. Thay vào đó, nên tập trung cho các môn có tính chất đặc thù, gắn liền với tiềm năng kinh tế tại chỗ, dần hình thành những trung tâm đào tạo chất lượng cao và là điểm đến trong tổ chức sự kiện nhờ sự khác biệt ở cơ sở vật chất. Từ đó mới có những cơ chế ưu đãi để phát triển hạ tầng phù hợp với môn thế mạnh ở các địa phương. Điều này cũng tương tự như việc Indonesia là “cường quốc” cầu lông, hay Hàn Quốc là “thánh địa” bắn cung… bởi họ tập trung công nghệ, điều kiện tập luyện và chuyên gia hàng đầu cho những môn đó.

Tuy nhiên, để các giải pháp nói trên đi vào thực tiễn, ngành thể thao cần có định hướng cụ thể cũng như tạo ra sự “bắt tay” chặt chẽ với các địa phương. Trước hết, cần tìm ra thế mạnh của từng đơn vị để cùng nhau xây dựng trở thành mũi nhọn, chứ không thể đào tạo đại trà; kế đến là xây dựng chính sách, hạ tầng làm sao cho phù hợp để phát triển.

Tin cùng chuyên mục