2 điều kiện để được ghi nhãn Việt
Để quản lý việc ghi nhãn hàng hóa, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hiện nay chúng ta đã có Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (NĐ 43), trong đó Điều 15 của nghị định này đã xác định rõ: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Đồng thời, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, quy định như vậy là tương đối rõ. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn bộc lộ những khó khăn trong quản lý xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm có liên quan đến nhãn mác, xuất xứ hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Công thương thành lập ban soạn thảo, chủ trì xây dựng dự thảo thông tư để tăng cường thêm các nội dung, quy định về quản lý nhãn mác, xuất xứ của hàng hóa, sản phẩm. Theo đó, dự thảo thông tư đã bổ sung và quy định thêm nhiều nội dung cụ thể hơn so với Nghị định 43 về cách ghi nhãn mác, xuất xứ đối với hàng hóa khi muốn gắn mác “Việt Nam”.
Cụ thể, để xác định hàng hóa nào thì được coi là “hàng hóa của Việt Nam”, dự thảo đưa ra 2 điều kiện như sau: hàng hóa phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Còn hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn đơn giản thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Các loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để lưu thông, nếu không đáp ứng điều kiện nêu trên thì không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa. Và hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất cũng không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Không chỉ áp quy định đối với hàng hóa, sản phẩm mà theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngay cả các tài liệu chứa thông tin về sản phẩm đó, ví dụ tờ rơi, clip… về sản phẩm đó, mang tính quảng cáo, hướng dẫn cũng được quản lý, để tránh tình trạng sản phẩm xuất xứ một đằng, thông tin quảng cáo ghi xuất xứ một nẻo.
Thông tư mắc nghị định
Tuy nhiên, nội dung dự thảo hiện nay cũng khiến nhiều người băn khoăn khi xác định tên gọi, cách ghi nhãn mác, xuất xứ đối với nhiều loại hàng hóa. Ví dụ, nếu nhập những cây xoài Thái của Thái Lan về trồng tại Việt Nam, hoặc khi nhập các cặp cá koi Nhật Bản về Việt Nam nuôi, nhân giống… thì trái xoài, những con cá koi sinh ra được gọi là xoài Thái Lan, cá koi Nhật Bản hay xoài Việt Nam, cá koi Việt Nam?
Trả lời cho câu hỏi này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, do cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam, được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy như dự thảo nêu, nên cây xoài mặc dù lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì quả xoài phải được coi là sản phẩm của Việt Nam. Tương tự đối với cá koi cũng vậy.
Song, khi xem xét nội dung dự thảo, nhiều ý kiến đang cho rằng, có những hướng dẫn trong dự thảo thông tư này vượt khỏi nghị định. Bởi, trong khi Nghị định 43 chỉ mang tính chất hướng dẫn để doanh nghiệp “tự xác định và ghi xuất xứ” thì dự thảo thông tư lại có tính chất bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. Tại sao thông tư lại có thể vượt nghị định? “Liệu Bộ Tư pháp có chấp nhận khi thẩm định thông tư này?” - Thứ trưởng Bộ Công thương nêu câu hỏi khi nói về tính hiệu lực của dự thảo mà Bộ Công thương được giao xây dựng, đồng thời cho rằng những quy định được đề xuất trong dự thảo thông tư này chỉ khả thi nếu được nâng tầm mức từ thông tư lên thành nghị định của Chính phủ.
Về câu hỏi với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng “không nhất thiết”. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại dự thảo thông tư.