Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông phối hợp tổ chức với sự tham dự của gần 200 đại biểu, trong đó có 90 đại biểu quốc tế.
Gốc “bệnh” chưa được xử lý
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết, hội thảo có sự tham gia đông đảo của các học giả quốc tế là bằng chứng cho thấy mức độ quan tâm của dư luận nói chung và giới học thuật nói riêng cũng như tính hấp dẫn của chủ đề vẫn chưa hề suy giảm.
Theo ông Tùng, kể từ Phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7-2016, tình hình biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu lạc quan nhất đối với các nhà quan sát là tin tức về những sự vụ, va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm vừa qua đã giảm so với các năm trước. Trong khi đó, vấn đề biển Đông tiếp tục được đề cập tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong thảo luận song phương giữa nhiều nước. Các thành tố liên quan đến biển Đông như: hòa bình, giải quyết tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, các quan ngại về các hoạt động cải tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại biển Đông... vẫn tiếp tục được nêu lên.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Tùng, nhìn trong tổng thể và dài hạn, bất an và lo ngại vẫn đè nặng bởi viễn cảnh của một biển Đông dần trôi vào vòng xoáy vô trật tự và xung đột. Từ góc độ hệ thống, trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Việc phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7-2017 không được tôn trọng, đe dọa tính toàn vẹn của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ở góc độ khu vực, những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính “đối phó” và “chắp vá”. “Mặc dù nhiệt độ có thể hạ trong chốc lát nhưng cơn sốt vẫn còn âm ỉ vì gốc bệnh vẫn chưa được xử lý”, ông Tùng ví von về tình hình biển Đông hiện nay.
Có một nghịch lý là mặc dù có nhiều sáng kiến hợp tác, nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế. Các bên, trước hết là các bên tranh chấp, bằng cách này hay cách khác đều bày tỏ mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho quản lý và giải quyết tranh chấp. Nhưng sự thiếu hụt lòng tin đã cản trở việc thực thi hiệu quả các sáng kiến này. Thực tế đó cho thấy các hoạt động xây dựng lòng tin cần được thực hiện một cách liên tục và kiên trì.
Vai trò của các cơ chế tài phán quốc tế
Mặc dù không tham dự nhưng nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn đã có bài phát biểu trực tuyến qua video call.
Thẩm phán Golitsyn đề cập về vai trò của các cơ chế tài phán quốc tế nói chung trong việc nâng cao vai trò và phát triển luật pháp quốc tế.
Thẩm phán Golitsyn khẳng định, sự hình thành của các cơ quan tài phán quốc tế là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế. Việc thông qua UNCLOS, theo đó thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển hệ thống tư pháp quốc tế. ITLOS như một cơ quan thường trực được hình thành theo UNCLOS chuyên để giải quyết các tranh chấp biển, sẽ có khả năng lớn hơn trong việc đóng góp vào hòa bình giải quyết tranh chấp so với các cơ quan tài phán quốc tế trước đó.
Thẩm phán Golitsyn điểm lại quá trình gần 21 năm hoạt động của ITLOS, kể từ khi nhận được bản đệ trình đầu tiên tiến hành khởi kiện năm 1997, thông qua các phán quyết của mình, ITLOS đã đóng góp vào tiến trình phát triển luật pháp quốc tế và đã củng cố được vị trí của mình như một diễn đàn chuyên trách về giải quyết hòa bình tranh chấp nảy sinh theo UNCLOS. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức đối với các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm cả ITLOS, trong quá trình các cơ quan này nỗ lực thực hiện chức năng của mình và thực hiện nhiệm vụ giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Những thách thức này nảy sinh cả từ các hành vi của quốc gia và từ trong bản thân những cơ quan tài phán này.
Về tình hình biển Đông, thẩm phán Golitsyn cho rằng vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp. Khả năng đóng góp của các cơ quan tài phán vào hòa bình và ổn định sẽ phụ thuộc vào lập trường của nhiều bên trong hệ thống giải quyết tranh chấp này.
Ý kiến các chuyên gia bên lề hội thảo
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia:
Chúng ta có thể nhận thấy hiện tồn tại một số hạn chế của luật pháp quốc tế khiến nhiều cường quốc không tôn trọng. Cũng như nhiều hội thảo về biển Đông khác, hội thảo lần này không đặt ra những điều luật nào, nhưng có thể gây thêm áp lực cho các nước không tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là về Luật Biển. Nếu nước đó không tuân thủ luật pháp quốc tế thì uy tín của họ bị hủy hoại trên trường quốc tế. Quan trọng là họ sẽ phải đối mặt như thế nào với sức ép quốc tế và tiến trình ngoại giao.
Về lâu dài, biển Đông vẫn là sự đan xen giữa đối đầu và hợp tác, trong đó quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình biển Đông.
Bà Colin Willett, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ:
Tôi rất khâm phục Việt Nam trong việc nhấn mạnh đến luật pháp quốc tế và tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển Đông. Tôi ấn tượng về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa rồi. Lãnh đạo 2 nước bàn về tình hình biển Đông, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tình hình biển Đông hiện tại khá ổn.