Theo báo Le Figaro, việc không áp được giá trần khí đốt kéo theo nhiều hệ lụy. Giá khí đốt quyết định giá điện. Nếu như giá điện tăng cao thì gần như tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất. Như vậy, giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo, trong khi các sản phẩm làm từ châu Âu phải cạnh tranh gay gắt với các phẩm sản xuất tại Trung Quốc hoặc Mỹ.
Các Bộ trưởng Năng lượng đã nhất trí về việc triển khai các biện pháp để cùng mua chung khí đốt, hạn chế biến động giá năng lượng và đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Thế nhưng, để thông qua các biện pháp này thì phải đợi đến phiên họp ngày 13-12. Trên thực tế, không còn nhiều thời gian nếu chưa áp được giá trần khí đốt nhằm ngăn chặn việc tăng giá phi mã. Hậu quả là không chỉ toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu bị suy yếu mà còn phản ánh hình ảnh mất đoàn kết ở lục địa già, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Ukraine.
Trong khi đó, từ 10 tháng qua, Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã ghi nhận khoảng 280.000 người nhập cư bất hợp pháp vào EU, con số lớn nhất kể từ năm 2016. Theo Le Figaro, một làn sóng di cư mới đang lan rộng ở biên giới EU, từ vùng Balkan cho đến Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các cải cách về tị nạn và nhập cư do Ủy ban châu Âu trình bày cách đây hơn 2 năm lại khó đi vào thực thi tức thì. Một số nước như Bỉ và Áo đã bị quá tải, khó có thể giải quyết hết số lượng đơn xin tị nạn cũng như vấn đề nhà ở. Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hàng triệu người Ukraina rời bỏ đất nước đi lánh nạn sang châu Âu. Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người đến từ Ukraine, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2016 do xung đột ở Syria. Le Figaro đánh giá, áp lực di cư đang đẩy các quốc gia rút lui về biên giới của họ, thay vì hợp lực, cùng nhau giải quyết vấn đề.