Gắn kết các chương trình về AI
Với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ khoa học công nghệ (KHCN) cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ với hơn 10 triệu cư dân và 30.000 doanh nghiệp (DN), TPHCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với DN triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở ban ngành. Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020 cũng hướng đến mục tiêu đó.
Từ kết quả chấm điểm ban đầu của Hội đồng giám khảo (HĐGK), có thể thấy các tổ chức, DN tại TPHCM đã có những sản phẩm AI tiêu biểu, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống. Trong đó, Lắng nghe mạng xã hội (CMC Social Listening - CSL) là công cụ để nắm bắt các kênh truyền thông mạng xã hội với mục đích đưa ra mức độ ảnh hưởng của thương hiệu, DN, các chiến dịch sản phẩm. Đây là sản phẩm của Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC phát triển bằng việc ứng dụng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên kết hợp với mô hình đồ thị tri thức, xử lý ảnh và đồ thị xác suất. Hay giải pháp Tự động hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh LV-PAR của Công ty CP Tin học Lạc Việt. Khi ứng dụng giải pháp này, hệ thống giúp người bệnh tự chọn chuyên khoa và đăng ký bác sĩ. Đến bệnh viện, người khám bệnh tự kiểm tra thẻ BHYT, trả phí đăng ký, in phiếu đợi… Hay “Hệ thống AI xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Drone)” giúp phát hiện điểm bị sâu bệnh và qua các thuật toán AI, Drone sẽ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Giải pháp của Công ty MiSmart có khả năng ứng dụng AI ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong nông nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Trưởng Ban tổ chức hội thi, TPHCM xây dựng tầm nhìn đến năm 2030, trong đó AI trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Từ Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”, TPHCM đặt mục tiêu: xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh… Vì thế, kỳ vọng lớn nhất từ hội thi là tìm ra những sản phẩm, giải pháp tiếp tục vinh danh tại Giải thưởng Sáng tạo của TPHCM.
Đánh giá cao tính ứng dụng, sáng tạo
Việc chấm điểm được HĐGK thực hiện hết sức công phu, chuyên nghiệp. Cụ thể, tổ thư ký đã chia ngẫu nhiên các thành viên HĐGK thành 3 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên. Các sản phẩm dự thi cũng được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm tương ứng, mỗi nhóm 13 sản phẩm. Mỗi giám khảo được cấp quyền truy cập thông tin trên hệ thống (tại http://aichallenge.khoahoctre.com.vn/chamdetai) để thực hiện chấm điểm. Các giám khảo chấm điểm sản phẩm và cập nhật vào form chung để tổ thư ký tổng hợp. Ngày 12-9 vừa qua, HĐGK đã họp online để thảo luận về các sản phẩm có ý kiến chưa đồng thuận để thống nhất lựa chọn 8/39 sản phẩm, giải pháp vào chung kết.
Các sản phẩm, giải pháp vào chung kết mới chỉ là thành công bước đầu, vì còn phải tiếp tục chứng minh khả năng ứng dụng, giá trị mang lại. Dự kiến ngày 20-9, HĐGK tiếp tục tổ chức buổi báo cáo chung kết, dưới hình thức offline, để các nhóm báo cáo và trả lời câu hỏi của HĐGK. Nội dung tập trung vào giới thiệu: mức độ hoàn chỉnh của sản phẩm và trình độ sáng tạo, tích hợp, ứng dụng AI vào sản phẩm; demo ứng dụng cần sẵn sàng bên cạnh video clip; chuẩn bị cập nhật về minh chứng sở hữu trí tuệ, kết quả triển khai… Qua đây HĐGK sẽ họp lại và chốt kết quả cuối cùng.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cũng là Chủ tịch HĐGK nhóm 2, cho biết, hội thi chia làm 2 nhóm, một nhóm chuyên về học thuật và nhóm còn lại chuyên về sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI. Ở nhóm chuyên về sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI chúng tôi chú trọng đến tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và tính sẵn sàng. “Qua các vòng thi, có 8 đội vào chung kết cho thấy sự đa dạng trong lĩnh vực ứng dụng AI như y tế, nông nghiệp, mạng xã hội…; là các vấn đề mà đô thị lớn như TPHCM quan tâm. Điều đáng ghi nhận là có những sản phẩm, giải pháp đã ứng dụng thực tế, có tiềm năng phát triển và trong sản phẩm, giải pháp dự thi đã ứng dụng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực AI. Chúng tôi đánh giá cao các sản phẩm, giải pháp có tính sáng tạo, mức độ ứng dụng cao, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội”, PGS-TS Vũ Hải Quân nhận xét.
8 sản phẩm nhóm 2 vào vòng chung kết: 1. Lắng nghe mạng xã hội - CMC Social Listening (Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC). 2. Công nghệ sử dụng máy bay không người lái để tìm diệt sâu bệnh trên cây trồng (Công ty MiSmart). 3. Ứng dụng AI trong việc đánh giá và phân loại trái cây thương mại (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM). 4. Ứng dụng BEETLEBOT (Công ty AIOZ). 5. Tự động hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh LV-PAR (Công ty CP Tin học Lạc Việt). 6. Định danh khách hàng điện tử - CVS EKYC (Công ty cổ phần công nghệ COMPUTERVISION Việt Nam). 7. Giải pháp tiếp nhận bệnh nhân tự động JOY ID - JOY ID - HOSPITAL (Công ty cổ phần phần mềm TPS - TPS Software Corp). 8. Hệ thống phần mềm quản lý và phân tích hình ảnh thông minh cho nhận diện khuôn mặt CIVAMS.FACE (Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC). |