Theo đó, sàng lọc từ 1.000 con heo “sống sót” sau các ổ dịch tại 3 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn cả nước, các chuyên gia của học viện này phát hiện, có những cá thể heo nái đẻ đến lứa heo thứ 4 vẫn còn nguyên kháng thể với dịch tả heo châu Phi. Đặc biệt, trong một số trường hợp, kháng thể này kéo dài đến 12 tháng tuổi trong những lứa heo mới được sinh ra.
Ông Phạm Kim Đăng, Trưởng khoa Chăn nuôi thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, có 2 giả thuyết:
Giả thuyết thứ nhất là có hay không đàn heo có khả năng kháng dịch tả heo châu Phi, mang gene kháng dịch tả heo châu Phi.
Giả thuyết thứ hai là khả năng sống sót do quá trình miễn dịch cộng đồng, hoặc do các biện pháp chăn nuôi mang lại.
Từ “tín hiệu” này, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cùng với các biện pháp mang tính chủ động về phòng chống dịch bệnh, như: chăn nuôi an toàn sinh học, nghiên cứu và sớm tiêm phòng vaccine thì thành công trong chọn tạo giống vật nuôi kháng bệnh (cụ thể là heo có khả năng kháng dịch tả heo châu Phi) góp phần quan trọng cho mục tiêu phòng chống dịch tả heo châu Phi của Việt Nam.
“Trong điều kiện chưa có vaccine để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, đây là yếu tố quan trọng để có đàn heo với sức đề kháng tự nhiên tốt, truyền lại cho những thế hệ heo được sinh ra sau đó, mà 6-7 tháng sau vẫn còn kháng thể với virus”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.
Theo các chuyên gia, đây là tin vui để người nông dân có thể yên tâm tái đàn, đảm bảo đủ thực phẩm cho thị trường, tránh được thiệt hại sau những đợt dịch tả heo châu Phi gây ra.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), gần đây dịch tả heo châu Phi lại có nguy cơ tái xuất trong đàn heo chăn nuôi ở nước ta. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Công thương, Campuchia vừa ra lệnh đóng cửa với heo nhập khẩu từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo châu Phi từ Việt Nam thông qua hoạt động nhập khẩu. |