Trên tạp chí Nature, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trí tuệ và Tri nhận Con người Max Planck ở Leipzig (Đức), công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, những người “cứng đầu”, không bao giờ muốn học hỏi khi phạm sai lầm, có thể có một gien bị biến đổi.
Gien biến đổi A1 này làm giảm số cơ quan thụ cảm D2 trong não, cơ quan phản ứng với dopamine – hóa chất có chức năng “trạm trung chuyển” tín hiệu giữa các tế bào não. Dopamine không chỉ có trách nhiệm báo hiệu sự vui thích mà còn góp phần vào việc học hỏi. Lượng dopamine sản sinh giảm sút nghĩa là một số người không hài lòng khi công nhận một quyết định hay hành động của mình là sai lầm, vì thế, họ lặp lại sai lầm đó. Những người có nhiều cơ quan thụ cảm D2 hơn trong não chấp nhận sai lầm ngay lần đầu tiên nhận ra sai lầm đó. Họ sẽ cảm thấy không phải lặp lại sai lầm đó.
Trong số 26 người tham gia nghiên cứu, 12 người có biến đổi gien A1 và ít cơ quan thụ cảm D2 hơn. Tất cả được xem 2 biểu tượng trên màn hình máy tính, sau đó chọn một. Sự chọn lựa theo sau là một gương mặt tươi cười hoặc nhăn nhó trên màn hình. Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra xem liệu những người tham gia có tiếp tục chọn biểu tượng có hình ảnh tích cực và tránh biểu tượng có hình ảnh tiêu cực. Họ phát hiện những người có ít cơ quan thụ cảm D2 hơn không chịu tránh sai lầm. Qua hình ảnh trên các não đồ, các nhà nghiên cứu khẳng định, vùng hải mã trong não (ảnh), vốn liên quan sự nhận thức về sai lầm, hoạt động nhiều hơn ở những người có lượng D2 bình thường.
Khoảng 1/3 dân số có biến đổi gien A1, đây có thể là cách của tự nhiên để bảo đảm luôn có một số người không bao giờ chịu từ bỏ cố gắng nếu họ không thành công lúc đầu, đồng thời cho thấy, biến đổi A1 phải có một số ưu điểm nào đó. Và thật sự, theo các nhà nghiên cứu: “Chúng ta sẽ ở đâu nếu không có những người từ chối chấp nhận thất bại và kiên trì chiến đấu trong khi tất cả người khác nghĩ rằng cố gắng nữa chỉ vô ích?”.
V.Hà (theo Sapa-dpa)
Phương pháp mới phát hiện ung thư vùng đầu, cổ
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ung bướu Johns Hopkins Kimmel ở Baltimore (Mỹ) vừa công bố trên tạp chí Clinical Cancer Research số tháng 1 một phương pháp mới giúp phát hiện nhanh ung thư vùng đầu và cổ (ung thư miệng, họng) ở những người nghiện thuốc lá, nghiện rượu nặng và những người có nguy cơ cao khác. Phương pháp này tiến hành dễ dàng, hiệu quả, không gây đau đớn và rẻ tiền bằng cách xét nghiệm nước bọt bệnh nhân.
Bệnh nhân được quét lấy chất dịch trong miệng, sau đó súc rửa miệng bằng một dung dịch muối. Các nhà nghiên cứu trích lọc dung dịch dã dùng súc rửa này để tìm các hóa chất liên quan ung thư vùng đầu và cổ. Phương pháp này có thể giúp xác định chính xác ung thư vùng đầu và cổ hiệu quả hơn 50%.
B.Lam (theo Reuters)