Ông Yên cho biết, hiện công tác tập hợp các thông tin tư liệu, hình ảnh trước, trong và sau khi làm vệ sinh bức tranh đang được khẩn trương thực hiện. Tiếp đó, bảo tàng sẽ gặp trực tiếp họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, là người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí để trao đổi thông tin cụ thể cần thiết, tham vấn các thông tin về giải pháp, cách thức, quy trình thực hiện, phương pháp tổ chức… Sau đó sẽ tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, các họa sĩ… về các giải pháp và xin có ý kiến về quy trình thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mức độ hư hại theo đánh giá của các họa sĩ sơn mài uy tín và của hội đồng khoa học, bảo tàng sẽ đề xuất phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh.
Trước đó, do bị can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt, bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã bị hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm; do bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt của tác phẩm nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại khoảng trên 30%. Ở góc độ hư hại về vật chất, theo đánh giá, các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế uyển nhã đan xen giữa mảng và nét.
Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập đoàn kiểm tra và ra các văn bản nhấn mạnh một số đề xuất, kiến nghị: “Tác phẩm tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là bảo vật quốc gia nên cần phải lưu giữ, bảo quản, ứng xử ở chế độ đặc biệt”. Bộ cũng đề nghị lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt với hiện vật là bảo vật quốc gia.