Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ như khoai tây, cà rốt sau đó được “cải trang” làm nông sản Đà Lạt.
Không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng, những hành vi giả mạo còn xâm phạm nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Tại buổi toạ đàm, bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc mạo danh nông sản Đà Lạt làm ảnh hưởng đến trải nghiệm không tốt khi sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng như các sản phẩm được sản xuất tại Đà Lạt cũng như có thể sẽ gặp rủi ro về an toàn thực phẩm khi sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cho biết các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản… đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt sẽ giúp chống gian lận thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các ý kiến tham luận tại buổi toạ đàm cũng phân tích những chế tài xử lý các hành vi giả mạo nhãn hiệu nông sản, cách thức ngăn ngừa xử lý ngay từ đầu; đồng thời các chuyên gia cũng phân tích cách thức giúp người tiêu dùng nhận biết đặc trưng của nông sản Đà Lạt với những sản phẩm giả mạo.
Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt hiện đạt hơn 7.200ha, chiếm 67,3% tổng diện tích canh tác. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng của các sản phẩm như rau, hoa, cây đặc sản đã được nâng, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy đạt 5.600 tỷ đồng.