Cấm khai thác cát vào ban đêm
Liên quan đến phản ứng của người dân xã An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) về việc doanh nghiệp (DN) khai thác cát quá mức gây sạt lở nặng nề ở sông Cái, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng sớm kiểm tra, xác minh làm rõ để có câu trả lời chính thức. Địa phương đang chỉ đạo ngành môi trường, công an, cảnh sát môi trường kết hợp với các địa phương khác… đẩy mạnh kiểm soát tình trạng khai thác cát trên địa bàn. Hiện Phú Yên đang tổng rà soát để có quy hoạch tổng thể khoa học về các vùng, khu khai thác cát, tiến hành đấu giá mỏ công khai theo đúng quy định.
Về việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, Trưởng phòng TN-MT huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) Thái Sơn Vinh cho biết, huyện tiếp tục duy trì lực lượng liên ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng công an huyện và công an chính quy cấp xã, thường trực 24/24 giờ để đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý theo đúng quy định. Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 3 mỏ cát đã được cấp phép khai thác, địa phương đã yêu cầu 3 chủ mỏ phải ký cam kết thực hiện đúng quy định thời gian, vị trí khai thác, không được khai thác vào ban đêm.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đình Bách thông tin: UBND tỉnh vừa giao trách nhiệm cho công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực khai thác cát sạn trái phép, qua đó hạn chế được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ban ngành, địa phương.
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nêu ý kiến, cần có sự quyết liệt và đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương, tránh tình trạng địa phương này làm nghiêm, địa phương khác lại buông lỏng. Nếu thiếu đồng bộ, không cương quyết thì không bao giờ giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.
Giải quyết dứt điểm việc “đá” trách nhiệm
Ông Nguyễn Đình Bách cho rằng, nghịch lý giữa nhu cầu xây dựng hạ tầng phát triển và nguồn tài nguyên cát sỏi ngày càng khan hiếm, đã đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhà khoa học việc cấp bách tìm nguồn vật liệu thay thế hợp lý. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đơn vị đang tiếp tục rà soát nguồn nguyên liệu thay thế đối với vật liệu xây dựng thông thường. Các vật liệu có thể sử dụng gồm: cát nghiền, đá mi bụi, cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng... Khối lượng của các loại vật liệu thay thế này rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu mới đây, có thể dùng cát nội đồng để phối trộn với đá mi, cát nghiền để thay thế cát lòng sông làm vật liệu xây dựng cho chất lượng sản phẩm tương đương, không kém cát sỏi thông thường.
Ngày 17-6, trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT (Bộ TN-MT) cho rằng, hiện nay dù các cơ chế, chính sách, điều luật về quản lý khai thác cát đều đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, không chỉ riêng khu vực miền Trung. Cát tặc lộng hành, dai dẳng nhất là ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và xảy ra hiện tượng các địa phương “đá” trách nhiệm cho nhau. Về lâu dài, để giảm áp lực khai thác cát trái phép ở các địa phương, Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT đang nghiên cứu để hướng đến tìm nguồn vật liệu mới thay thế cát. “Bây giờ, các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn để thay thế vật liệu xây dựng là cát. Ví dụ, các vật liệu cứng như gạch đá, phế phẩm, vật liệu đã qua sử dụng, chúng ta cũng có thể tái tạo, xay ra thành cát để tái sử dụng, làm vật liệu thay thế. Cách tiếp cận mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn này vừa không lãng phí, vừa thân thiện với môi trường, giảm áp lực khai thác cát…”, ông Chinh nói.