Chiều 3-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và đại diện Cục Quản lý Thị trường, Cục Cảnh sát môi trường y tế đã làm việc tại một số đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, tình hình dịch nCoV đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch gia tăng nên các đơn vị sản xuất trong nước cần đẩy nhanh sản xuất cung ứng khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ và vật tư y tế phòng dịch.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Tanaphar, quy mô sản xuất của doanh nghiệp đạt 70.000 chiếc khẩu trang ngày. Từ ngày 31-1 đến nay, các công nhân của công ty đã làm việc hết công suất 24/24 giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất đáp ứng nhu cầu.
Còn đại diện Công ty Cổ phần Đại Uy cho biết, đối với việc sản xuất khẩu trang, quan trọng nhất là màng lọc, hiện còn khoảng 600 kg nguyên liệu màng lọc, nếu các máy hoạt động hết công suất 3 ca/ngày thì quy mô sản xuất đạt khoảng 100.000 chiếc/ngày và nếu đúng theo tiến độ này thì khoảng trong 10 ngày nữa sẽ hết nguyên liệu để sản xuất. Hiện công ty đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại phía Nam nhưng đối tác mới hứa sẽ sớm cung cấp 5 tấn nguyên liệu.
“Công ty hiện vẫn bán khẩu trang 3 lớp giá 30.000đ/hộp 50 chiếc khẩu trang như trước đây, không hề tăng giá. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ, công ty chỉ bán cho mỗi nhà thuốc thu mua tối đa 50 hộp, mỗi người dân đến mua chỉ bán tối đa 10 hộp”- Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Uy cho biết.
Tại buổi làm việc, cả hai đơn vị đều cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo sản xuất. Do đó, cả hai đơn vị mong muốn được hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu để tăng cường sản xuất hết công suất. Đồng thời các đơn vị cũng đề xuất được xem xét giá xuất bán điều chỉnh tăng theo giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong nước về việc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... để cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bản thân các đơn vị cũng cần nỗ lực, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, qua báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy quy mô sản xuất khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Do đó với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn cung ứng sẽ ổn định, như vậy sớm sẽ không còn tình trạng đầu cơ và khan hiếm khẩu trang.
Phản ứng trước nhiều quầy thuốc tại "chợ thuốc" Hapulico (ở 83 phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) treo biển không bán khẩu trang, nước rửa và kêu gọi trên mạng xã hội đối với các nhà thuốc khác không bán mặt hàng khẩu trang, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Cơ quan quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các hành vi cố tình găm hàng các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn. Những đơn vị, cơ sở nào còn hàng trong kho mà cố tình không bán, găm hàng sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với đó, người dân có thể gọi công an hoặc quản lý thị trường khi thấy các hành vi găm hàng, chặt chém giá bán khẩu trang. "Đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy..."- lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh. |