Ứng cử viên tham gia kỷ lục
Cuộc bầu cử lần này có 60,4 triệu cử tri tham gia, trong đó có 31,2 triệu cử tri nữ, 29,2 triệu cử tri nam và 2,8 triệu cử tri đủ 18 tuổi lần đầu bỏ phiếu. Số lượng cử tri giảm khoảng 1,3 triệu người so với cuộc bầu cử quốc hội năm 2017. Gần một nửa số cử tri sinh sống tại 3 bang lớn gồm Rheinland-Pfalz (12,8 triệu), Bayern (9,4 triệu) và Baden-Wuerttemberg (7,7 triệu). Tham gia bầu cử có tổng cộng 47 chính đảng với 6.211 ứng cử viên và đây cũng là cuộc bầu cử có số ứng cử viên cao nhất từ trước tới nay. Trong số ứng cử viên có 33% là nữ - con số cao kỷ lục.
Nước Đức có tổng cộng 299 khu vực bầu cử và mỗi cử tri sẽ bầu vào lá phiếu gồm 2 phần - phần thứ nhất bầu trực tiếp cho 1 ứng cử viên của 1/299 khu vực và phần thứ 2 bầu cho 1 đảng. Với việc mỗi cử tri có 2 lựa chọn, về lý thuyết sẽ có tổng cộng 598 ứng cử viên được bầu vào quốc hội, gồm 299 ứng cử viên được bầu trực tiếp ở phần phiếu thứ nhất và 299 ứng cử viên được bầu theo danh sách đảng ở phiếu thứ 2. Các điểm bỏ phiếu sẽ kết thúc vào lúc 18 giờ cùng ngày (giờ địa phương) và kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố hôm sau.
Cuộc bầu cử quốc hội khóa mới cũng là lần đầu thủ tướng đương nhiệm không tái tranh cử sau 16 năm liên tiếp là người đứng đầu Chính phủ Đức. Sau khi có kết quả bầu cử, đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập chính phủ với việc tìm kiếm liên minh cầm quyền với các đảng khác để giành quá bán ở quốc hội. Dù tiến trình thành lập chính phủ có kéo dài, bà Angela Merkel cùng nội các vẫn tại nhiệm cho tới khi một thủ tướng mới được bầu.
Ẩn số khó lường
Bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel cũng phải tiếp tục những trọng trách nặng nề để chèo lái con thuyền nước Đức vượt qua giai đoạn sóng gió trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Dù đã xuất hiện những gương mặt sáng giá, nhưng đến thời điểm hiện tại, khoảng cách giữa các ứng cử viên hàng đầu chưa đủ lớn để có thể dự đoán chắc chắn đại diện của đảng nào sẽ giành được vị trí quyền lực. Theo kết quả các cuộc thăm dò vài ngày qua, đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) của ứng cử viên Olaf Scholz vẫn dẫn đầu với số điểm khá sít sao so với đảng thứ 2 là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của ứng cử viên Armin Laschet, trong khi đảng Xanh của ứng cử viên Annalena Baerbock đứng thứ 3.
Với tỷ lệ ủng hộ khoảng 21%-22%, liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Merkel có thể trở thành đảng đối lập sau 16 năm. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các cuộc thăm dò đối với liên minh 2 đảng này suốt hơn 50 năm cầm quyền, từ năm 1949. Dù thời gian qua, CDU/CSU đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vị trí, nhưng ông Laschet, ứng cử viên đại diện liên minh, cũng phải thừa nhận đây là chiến dịch tranh cử khó khăn nhất của CDU/CSU từ năm 1998.
Theo giới quan sát, việc gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót. Bên cạnh đó, tỷ lệ ủng hộ của các đảng phái ở Đức chênh nhau không đáng kể, cho thấy khả năng cao sẽ không một đảng nào giành đủ 50% số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ sau bầu cử. Trong tình huống này, những đảng nhỏ hơn sẽ là “ẩn số” khó lường, trở thành yếu tố quyết định cơ cấu của liên minh cầm quyền cũng như ai sẽ là người lãnh đạo nước Đức.
Thủ tướng Merkel là chính trị gia thuộc liên minh CDU/CSU. Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel giúp đất nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và người nhập cư. Với vai trò là quốc gia có tiếng nói quan trọng tại châu Âu, bà Merkel giữ cho ngôi nhà chung châu Âu đứng vững và phát triển trước nhiều thách thức về kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Bà Merkel đã nhiều lần được vinh danh là một trong số phụ nữ quyền lực nhất thế giới. |