Dự kiến sẽ dùng vốn đầu tư công làm vốn mồi
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đinh Khắc Huy cho biết, có 2 phương án làm không gian phát triển TTTC. Trong đó, phương án 1 là khu vực 340ha, gồm 123ha ở quận 1 và 217ha ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); phương án 2 là khu vực rộng 687ha, gồm 123ha ở quận 1 và 564ha ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). TPHCM dự kiến sẽ dùng vốn đầu tư công làm vốn mồi, đầu tư 1-2 lô trong số 11 lô đất vùng lõi TTTC (tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Các phần còn lại sẽ huy động vốn từ khối tư nhân.

Tại hội thảo, Sở Tài chính xin ý kiến các đại biểu, chuyên gia về sự phù hợp và tính khả thi đầu tư xây dựng TTTC với ranh giới và quy mô theo phương án đề xuất. Góp ý về hướng phát triển, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, băn khoăn nếu tiếp cận TTTC quốc tế ở góc độ ranh giới địa lý cứng, với các chủ thể có tư cách thành viên, mô hình này có thể phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn đầu, thuận lợi thu hút đầu tư. Nhưng ngược lại, nó có thể hạn chế tính đổi mới sáng tạo, không phù hợp với xu thế mở của TTTC.
Từ Dubai, ông Mohammad Yousuf Al Najjar, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển và dự án của Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC), chia sẻ, có 2 mô hình xây dựng trung tâm tài chính, hoặc tích hợp toàn thành phố như London, hoặc tách biệt với quyền tài phán riêng như Dubai. DIFC được thiết kế như một khu phức hợp toàn diện - nơi làm việc, lưu trú, hội họp và sinh hoạt đều diễn ra trong cùng một không gian, tạo sự tiện lợi và gắn kết cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông nhấn mạnh, hạ tầng là yếu tố sống còn, cần đầu tư cả bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà. Bên trong là không gian làm việc linh hoạt và trung tâm dữ liệu ổn định; bên ngoài là hệ thống giao thông kết nối tốt với sân bay quốc tế.
Nhân lực là then chốt
Liên quan đến chủ đề phát triển nguồn nhân lực cho TTTC, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh, nhân lực là yếu tố then chốt để vận hành. Ông khẳng định, TTTC không chỉ có chuyên gia tài chính, mà cần cả nhân sự hiểu công nghệ, pháp lý, quản trị rủi ro và các lĩnh vực liên ngành.
Về xây dựng đội ngũ, cần xác định rõ chức năng từng cơ quan trong TTTC, từ đó mới xây dựng tiêu chí chọn người phù hợp. Không thể gom người giỏi rồi mới nghĩ ra việc, mà phải có thiết kế hệ thống trước. Về dài hạn, đề xuất TPHCM cần một chiến lược đào tạo - thu hút - giữ chân nhân lực cấp cao, bao gồm cả người nước ngoài; cần cơ chế linh hoạt để các trường đại học, viện nghiên cứu gắn kết với thực tiễn, đào tạo theo nhu cầu thị trường, chứ không thể tiếp tục “dạy cái có sẵn, không biết người học sẽ làm gì”.
Từ góc độ đào tạo, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong giáo dục. Giáo dục đại học hiện nay vẫn bị bó buộc bởi khung chương trình cứng nhắc, khó thích ứng với những ngành nghề đang biến đổi nhanh chóng ngoài thị trường. Trong khi đó, mô hình đào tạo mới - nơi sinh viên có thể học từng phần, tích lũy tín chỉ theo nhu cầu và năng lực cá nhân - đang được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả đào tạo.
Còn theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, TTTC chỉ vận hành hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực phù hợp về chuyên môn và tư duy quốc tế. TPHCM cần gửi cán bộ trẻ ra nước ngoài học tập, làm việc thực tế tại các TTTC lớn, để sau này có thể quay về đảm nhiệm các vị trí then chốt.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, TPHCM xác định xây dựng TTTC quốc tế là một chủ trương lớn, bước đi chiến lược nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, có tầm ảnh hưởng khu vực. Hiện đề án đã được dự thảo lần thứ 25, đang được hoàn thiện và dự kiến đưa ra tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào đầu tháng 5 tới.
Về không gian xây dựng TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết, với vị trí đặc biệt thuận lợi, TPHCM sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng kết nối như đường bộ, đường thủy và khu vui chơi, thể thao, thương mại.
Về nhân lực, thành phố chủ động phối hợp các bộ ngành, trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo đội ngũ chuyên sâu, có thể đưa cán bộ ra nước ngoài học tập, thực hành tại các TTTC quốc tế.