Tìm mô hình tăng trưởng mới cho ĐBSCL

Gần 300 đại biểu là lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL, TPHCM, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà đầu tư… đã tham dự buổi lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chiều 14-12 tại Cần Thơ. Công trình nghiên cứu do VCCI cùng Trường Chính sách công và quản lý Fulbright hợp tác thực hiện, với nhiều nội dung quan trọng hướng đến sự phát triển thịnh vượng của vùng ĐBSCL. 

“Đây là báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của cả nước, báo cáo đánh giá toàn diện, tổng thể sâu sắc. Đưa ra nhiều quan điểm mới về phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển bền vững ĐBSCL, cần phải cho thế giới biết sự mong manh, dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần kể cho thế giới câu chuyện về miền Tây Nam bộ - Việt Nam, tạo sự đồng cảm, từ đó huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy ĐBSCL đi lên”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo báo cáo kinh tế ĐBSCL, nhấn mạnh.

Theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2019, ĐBSCL chịu nhiều thách thức lớn về BĐKH, hạn mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường gia tăng. Chất lượng tăng trưởng giảm sút, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp. Dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi so với trước đó 10 năm. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là hiện tượng thiếu lao động ngày càng phổ biến, đồng thời mức độ già hóa dân số ngày một trầm trọng. Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ lâu là một vấn nạn, nhưng vẫn chưa được khắc phục. 

Cần thấy rằng, trong hơn 3 thập niên qua, mô hình kinh tế ĐBSCL vẫn mang tính truyền thống, tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp; ưu tiên số lượng thay vì chất lượng; manh mún hơn là tích tụ ruộng đất; phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng... Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại sự thịnh vượng cho phần lớn người dân. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, đưa ra mô hình tăng trưởng mới cho kinh tế ĐBSCL là hết sức cấp thiết. 

Báo cáo đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng cho vùng ĐBSCL. Theo đó, một trụ cột không thể thiếu trong mô hình phát triển mới của ĐBSCL là cơ chế hợp tác, điều phối vùng hiệu lực và hiệu quả thay cho những cơ chế mang nặng tính hình thức, không có tác dụng. Một thông điệp quan trọng của báo cáo là những hạn chế, thách thức lớn nhất ở ĐBSCL, như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, tụt hậu về kinh tế, giáo dục, môi trường nước ô nhiễm, BĐKH và nước biển dâng, bất trắc gây ra bởi các con đập thượng nguồn… là thách thức của toàn vùng chứ không của riêng một địa phương nào. Vì vậy, nhất thiết phải có một cơ chế điều phối vùng thật sự hiệu lực và hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục