Các nghiên cứu tại hội thảo chỉ ra rằng, mặc dù ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển, nhưng đây lại là vùng đất thấp, với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển; là 1 trong 3 đồng bằng châu thổ chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị Việt Nam thì khi nước biển dâng sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số khu vực đô thị ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề.
Việc quản lý hiệu quả các nguồn lực cho phát triển là nhu cầu cấp thiết đang đặt ra cho ĐBSCL, thế nhưng các nghiên cứu cho thấy năng lực thích ứng của chính quyền các tỉnh thành trong vùng hiện còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa nhanh, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa bền vững dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái.
Tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều khu vực vẫn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục và dịch vụ công…
Về công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, một số chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và không đạt được kết quả mong muốn. Trong nhiều năm qua, mức độ huy động sự tham gia của người dân trong hoạch định và thực thi chính sách công của các địa phương vùng ĐBSCL còn hạn chế… Xét một cách tổng thể, có thể nhận thấy tốc độ, trình độ, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ hơn những nội dung như: phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn định hướng cho việc lựa chọn mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp ở vùng ĐBSCL; bối cảnh, thực trạng quản lý phát triển xã hội ở vùng thời gian qua; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL…
Bên cạnh đó, hội thảo tập trung tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội theo hướng bền vững; đánh giá lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong thực tiễn của vùng ĐBSCL.