Tìm lối thoát cho chợ truyền thống

Không khí kinh doanh tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM khá trầm lắng; người bán đông hơn người mua... diễn ra phổ biến. TPHCM đã có kế hoạch thu hẹp quy mô, nâng cấp chợ để phát triển dịch vụ, du lịch, tuy nhiên công tác triển khai vẫn loay hoay.

Đầu tư tiền tỷ, thu lời bạc lẻ

Cuối tuần, lượng khách đến vui chơi tại chợ Bến Thành (quận 1) khá đông, nhưng chủ yếu là khách du lịch. Chị T., chủ sạp bánh mứt, trái cây ở đây, cho biết, sức mua sau dịch Covid-19 đã giảm hơn 50%. “Mỗi sạp trong chợ này đều được đầu tư cả tỷ đồng, nhưng nay đúng nghĩa... nhặt bạc lẻ, do khách thưa vắng. Ngay cả những nhóm bạn hàng thân quen, chuyên đặt mua số lượng lớn từ các tỉnh, thành cũng đứt ngang vì nhiều lý do”, chị T. nói.

N5a.jpg
Chợ Bình Tây vắng khách. Ảnh: HẢI NGỌC

Tìm mua hàng trong chợ Bình Tây (quận 6), chúng tôi ghi nhận nơi đây có cả chục sạp đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng, tập trung ở khu buôn bán quần áo. Bà L., chủ sạp hàng số 895 thông tin, lượng khách tới chợ rất ít, thậm chí những ngày cuối tuần khách còn vắng hơn. “Mở cửa hàng từ sáng đến chiều không có khách. Tình trạng này kéo dài từ đầu năm tới giờ. Bây giờ cố gắng được chừng nào hay chừng đó, nếu tình hình không cải thiện chắc tôi cũng nghỉ bán”, bà L. chia sẻ.

Di chuyển qua khu vực kinh doanh hàng mỹ phẩm, hỏi thăm một tiểu thương tại sạp hàng Phước Vinh thì tình trạng cũng tương tự. Chủ sạp này cho hay, hiện tại chủ yếu cung cấp hàng cho mối quen nhiều năm qua chứ hầu như không có khách mới. Nhóm khách cũ chuyển qua mua mối trực tuyến (online) cũng nhiều hơn so với trước đây. Tại khu vực chuyên bán kẹo, mứt, các tiểu thương nhiệt tình mời chào khi thấy có khách qua lại, liên tục hỏi khách cần mua gì, tìm món gì để giới thiệu. Bà N.A., chủ sạp số 676 cho hay, thỉnh thoảng có vài đoàn khách du lịch đến tham quan, chụp hình chứ khách không mua.

Chợ Hòa Hưng (quận 10) cũng rơi vào tình trạng “người bán thì nhiều, người mua thì ít”. Một vài sạp hàng đóng cửa nghỉ sớm vì vắng khách. Chị L.T, chủ sạp kinh doanh giày dép, cho biết đã để bảng sang sạp vì kinh doanh ế ẩm, thu không đủ bù chi…

Nhiều nỗi lo

Bà V., tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) nhẩm tính, trừ hết các chi phí mặt bằng, mỗi ngày chỉ lời từ 70.000-150.000 đồng. Theo bà V., nếu vài chục năm trước thì mức thu nhập này rất tốt, còn bây giờ, mức này chưa bằng lương hưu. Cạnh sạp bà V., các chủ sạp treo bảng sang nhượng khá nhiều, với mức giá từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/sạp, tùy vị trí. Trước thông tin sẽ nâng cấp chợ Xóm Chiếu theo hướng hiện đại, bà V. cho biết, bà và các tiểu thương khác khá phân vân: “Bây giờ kinh doanh ế ẩm, nếu nâng cấp chợ, tiểu thương phải đóng thêm đủ loại chi phí nhưng không chắc sức mua sẽ tốt hơn. Chợ Bình Tây, Bến Thành… cũng chủ yếu đón khách du lịch, chứ khách hàng truyền thống đã giảm mạnh so với trước”. Trước đó, UBND TPHCM có định hướng cải tạo, nâng cấp chợ Xóm Chiếu thành Trung tâm thương mại - chợ, nhưng hiện vẫn chưa triển khai được do vướng kinh phí.

Lo lắng của nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM có thể hiểu được. Ngay cả chợ truyền thống An Đông (quận 5), một trong những chợ được nâng cấp thành trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại nhưng vẫn khá vắng khách. Nơi đây chuyên cung cấp sỉ và lẻ quần áo, bánh kẹo các loại… cho người dân TPHCM và các tỉnh thành phía Nam nhưng nay sức mua èo uột. Vừa qua, Ban quản lý chợ An Đông đã tổ chức tập huấn, khuyến khích bà con livestream bán hàng qua mạng xã hội song song với kinh doanh trực tiếp. Thế nhưng, chỉ có vài tiểu thương triển khai hiệu quả; số còn lại thừa nhận họ đã lớn tuổi, khó thích nghi được với hình thức bán hàng mới…

Ngành công thương TPHCM đã có kế hoạch, phương án tối ưu hóa hệ thống các chợ truyền thống trên địa bàn. Cụ thể, định hướng giảm số lượng còn 216 chợ (giảm 17 chợ); trong số này, có 199 chợ giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng… Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố không tăng thêm số lượng chợ tại khu vực nội thành. Việc phát triển mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu bố trí tiểu thương của các chợ di dời, giải tỏa. Tập trung thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch. Rà soát, lựa chọn các chợ hoạt động không hiệu quả, có diện tích từ 800-1.000m2 trở lên để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại dựa trên nguồn vốn xã hội hóa...

Học cách giữ khách

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng, việc thu hẹp quy mô các chợ truyền thống kinh doanh không hiệu quả là điều tất yếu, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Tuy nhiên, chính người kinh doanh cũng phải nhanh nhạy, nên tiếp cận khách đa nền tảng, phục vụ song song bán trực tiếp lẫn trực tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ; tránh tình trạng nói thách, hét giá, trà trộn hàng kém chất lượng… Thực tế hiện nay, người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn khi mua sắm, nên để “giữ chân” khách hàng, tiểu thương cũng phải học hỏi, thay đổi nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục