Tồn ứ gần 10 triệu tấn tro, xỉ
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) gồm 5 dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) với tổng công suất hơn 6.260MW. Hiện tại, 4 NMNĐ điện đã đi vào hoạt động, gồm: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, đã phát lên lưới điện hàng tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại khu vực miền Nam. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này, trong những năm qua, các NMNĐ nơi đây phải căng mình vừa lo sản xuất, vừa lo các bãi đổ tro, xỉ đang ngày càng trở nên quá tải.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, trong 5 năm qua, 4 nhà máy nhiệt điện đã thải ra khoảng 11 triệu tấn tro, xỉ than, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1 triệu tấn được xử lý, tiêu thụ, còn 10 triệu tấn đang tồn ứ tại bãi chứa. Lượng tro, xỉ than này được chôn lấp tập trung tại các bãi thải, công tác xử lý, tiêu thụ loại vật chất này đang gặp rất nhiều khó khăn. Bãi thải xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 1 với diện tích gần 60ha, sức chứa theo thiết kế khoảng 7,5 triệu tấn. Nhà máy đã bắt đầu đổ tro, xỉ từ tháng 4-2018, đến nay chỉ sau hơn 2 năm đã lưu chứa khoảng 3 triệu tấn. Trong khi đó, bãi thải xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng trên tổng diện tích hơn 38ha, chứa khoảng 9,3 triệu tấn. Bãi chứa này hoạt động từ năm 2015, đến nay lượng tro, xỉ đã tiếp nhận khoảng 6,8 triệu tấn. Như vậy, ngoài bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 1 vẫn còn khả năng tiếp nhận thì thể tích bãi tiếp nhận tro, xỉ thải của 3 nhà máy còn lại không nhiều.
Thời gian qua, một số thời điểm, quá trình vận hành các NMNĐ ở tỉnh Bình Thuận đã gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân là do bụi từ tro, xỉ không được xử lý đúng quy trình và khối lượng chôn lấp quá lớn đã phát tán, ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh. Theo thống kê, các NMNĐ nơi đây mỗi năm thải ra 3 - 4 triệu tấn tro, xỉ. Nếu không có những giải pháp hiệu quả để xử lý thì với tốc độ chôn lấp hiện nay, các bãi chứa thải sẽ nhanh chóng quá tải và hệ lụy môi trường rất lớn.
Ưu tiên làm vật liệu san lấp, đắp nền
Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận cùng các bộ, ngành đề xuất nhiều giải pháp để xử lý nguồn chất thải từ nhiệt điện như việc tận dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông… Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm bởi nhiều nguyên do. Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, mặc dù các chủ đầu tư NMNĐ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã tích cực hỗ trợ, triển khai các đơn vị có chức năng để tiếp nhận tro, xỉ nhưng chưa như mong muốn. Nguyên nhân: do các NMNĐ cách xa cơ sở sản xuất xi măng và hộ tiêu thụ vật liệu lớn ở các tỉnh thành phía Nam nên khó khăn trong việc vận chuyển; việc vận chuyển loại vật chất này bằng đường biển chi phí khá cao; ít cơ sở tái sử dụng tro, xỉ ở địa phương và các khu vực lân cận, năng lực tiếp nhận xử lý còn yếu; thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ chưa được người dân đón nhận. Các yếu tố khách quan này đã ảnh hưởng đến khối lượng tro, xỉ được xử lý.
Trong khi đó, theo Sở GT-VT tỉnh Bình Thuận, việc tận dụng tro, xỉ than để làm đường bê tông cũng đang vướng. Cụ thể, tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô - yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu - chỉ mới quy định, hướng dẫn chung, chưa có chỉ dẫn kỹ thuật chuyên ngành nên việc áp dụng triển khai thi công ngoài thực tế phải qua các khâu thí nghiệm trong phòng và tiến hành triển khai công tác thí nghiệm ngoài hiện trường để có sự điều chỉnh phù hợp. Về việc sử dụng tro bay để làm đường bê tông xi măng đầm lăn cũng đang gặp khó, bởi nếu căn cứ TCVN 8825:2011 phụ gia khoáng trong bê tông đầm lăn thì tro bay thay thế phụ gia khoáng có khối lượng rất thấp (chỉ khoảng 5% khối lượng). Do vậy chưa thể góp phần giải quyết khối lượng tro, xỉ thải ra quá lớn tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hiện nay.
Trước tình hình trên, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, ngoài việc tiếp tục tìm nguồn và đối tác để tiêu thụ tro, xỉ than, cần nhanh chóng kiến nghị các cơ chế khuyến khích, ưu tiên sử dụng loại vật chất này làm vật liệu san lấp, đắp nền các tuyến đường giao thông trên địa bàn phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành. Đây được xem là giải pháp phù hợp để vừa giải quyết lượng tro, xỉ than khổng lồ đang tồn ứ, vừa đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.