Tìm lối ra cho các dự án điện rác

Nhiều dự án điện rác (hay còn gọi là đốt rác phát điện) đang gặp khó, chủ yếu do vướng thủ tục hành chính, dẫn đến tiến độ dở dang, chưa biết khi nào hoàn thành.

Vướng nhiều thủ tục

Ông Lê Văn Tâm, Phó Giám đốc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 20 dự án điện rác. Trong đó, có 4 dự án đang vận hành, 4 dự án đang thi công xây dựng, còn lại vẫn đang... nằm trên giấy chờ thực hiện các thủ tục đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu khiến phần lớn dự án điện rác chậm trễ, theo ông Lê Văn Tâm là do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ. Đơn cử như Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt; chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ về giá mua điện; thủ tục đầu tư đốt rác phát điện tại Việt Nam phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, các rào cản chính sách còn khiến dự án nhà máy điện rác khó thu hút đầu tư do hiệu suất đầu tư thấp, trong khi chi phí đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, thường từ 10-20 năm.

Cũng theo ông Lê Văn Tâm, việc chậm trễ triển khai những dự án nhà máy đốt rác phát điện có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như rác thải vẫn chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietstar (TPHCM), cho biết, sau khi làm lễ khởi công giai đoạn 1 của dự án đốt rác phát điện tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Củ Chi với công suất 2.000 tấn/ngày vào năm 2019, đến nay, công ty đang phải tạm dừng để chờ được cấp giấy phép xây dựng. Mặc dù chính quyền thành phố đã rất nỗ lực làm việc với các bộ, ngành có liên quan, thế nhưng, hiện nay các giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường cho dự án và nhiều giấy tờ khác vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép nên dự án của công ty vẫn đang ở chế độ… chờ.

Các dự án đốt rác phát điện ở Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM) đang chậm tiến độ

Các dự án đốt rác phát điện ở Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM) đang chậm tiến độ

“Mọi thứ từ máy móc đến hạ tầng, công ty đã mua và chuẩn bị xong xuôi hết. Bây giờ chỉ chờ có giấy phép xây dựng là công ty làm ngay và sẽ nhanh chóng hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để nhà máy đi vào hoạt động đúng kế hoạch đặt ra”, ông Hùng Việt nói.

Không chỉ Công ty Vietstar đang gặp khó về vấn đề thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà máy điện rác mà nhiều công ty khác trên địa bàn TPHCM đang đầu tư hoặc đã có kế hoạch đầu tư cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Tasco...

Cụ thể hóa chính sách

Để giải quyết những khó khăn, thách thức cũng như thu hút nhà đầu tư cho các dự án điện rác, nhiều chuyên gia nêu yêu cầu, các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ tích cực hơn nữa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề về thủ tục hành chính, pháp lý (giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...).

Đề xuất những giải pháp cụ thể, ông Lê Văn Tâm kiến nghị, các cơ quan ban ngành cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách trong phát triển công nghệ điện rác như quy hoạch ra sao, giá mua điện, tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn như thế nào; đồng thời sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII; hoàn thiện các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc; hình thành các nguồn vốn vay hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp đầu tư công nghệ điện rác…

Nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nhà máy điện rác cũng đề nghị Việt Nam cần có một quy hoạch quản lý chất thải đô thị toàn diện, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm. Bên cạnh đó, các vướng mắc về thủ tục hành chính, doanh nghiệp rất cần được các cơ quan chức năng chung tay tháo gỡ sớm vì với doanh nghiệp, chậm ngày nào là phát sinh thêm chi phí ngày đó. Đặc biệt, chỉ khi các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và có những chính sách về chi phí xử lý rác cũng như giá bán điện hợp lý thì mới thu hút được các nhà đầu tư.

Trong khi đó, để có thể thu hút được vốn đầu tư cho dự án điện rác từ các tổ chức quốc tế, đại diện Công ty Tài chính quốc tế (IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới) cho rằng, chính phủ Việt Nam cần rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, những quy trình, thủ tục còn vướng mắc trong quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực chất thải sinh hoạt, các quy định phát triển dự án điện rác; ban hành đơn giá, định mức kinh tế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mạnh dạn tham gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, góp phần hình thành ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam. Riêng với các nhà đầu tư, cần cải thiện năng lực của mình để đáp ứng được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế nếu muốn thu hút nguồn vốn từ các tổ chức này.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, sở vừa có văn bản gửi UBND TPHCM, Sở KH-ĐT đề xuất đầu tư 763 tỷ đồng làm đường vào nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi.

Theo Sở TN-MT, vị trí đề xuất xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và không có tuyến đường kết nối từ ranh dự án với hạ tầng khu vực.

Do đó, cần triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với quy mô khoảng 16,4ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà máy khoảng 10,4ha và diện tích bồi thường để xây đường vào nhà máy khoảng 6ha, nhằm đảm bảo hạ tầng phục vụ thi công xây dựng và vận hành, khai thác sử dụng.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% và đến năm 2030 đạt 100% khối lượng rác thải sẽ được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. TPHCM đang triển khai quyết liệt 2 nhóm giải pháp là chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thêm dự án xử lý rác bằng công nghệ mới theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tin cùng chuyên mục