PHÓNG VIÊN: Theo ông, trong bối cảnh cấp xã dự kiến tương đương cấp huyện nhỏ, bộ máy chính quyền cấp xã cần được tổ chức ra sao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

TS HOÀNG VĂN TÚ: Khi không còn chính quyền cấp huyện thì cấp cơ sở sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn, số lượng công việc sẽ nhiều hơn, trong đó có cả những công việc trước đây chưa từng đảm nhiệm. Tuy nhiên, công việc vẫn phải được giải quyết không gián đoạn, với yêu cầu là phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Do đó, bộ máy cấp cơ sở phải được tổ chức đầy đủ các cơ quan để thực hiện đủ chức năng, bao gồm các chức năng đã thực hiện trước đây và các chức năng mới phải đảm nhiệm (từ huyện hoặc từ tỉnh chuyển xuống).
Bộ máy cấp cơ sở cũng phải được tổ chức khoa học, gọn nhẹ và có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng. Đặc biệt là phải xác định rõ chức năng, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền lực được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu và cũng phải bảo đảm không có vị trí quyền lực nào không được kiểm soát.
Để đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ năng lực thay thế vai trò của cấp huyện thì cần lựa chọn, bố trí cán bộ như thế nào?
Trong công tác tuyển chọn cán bộ, cần đánh giá lại nguồn cán bộ cấp xã hiện có và cán bộ từ huyện chuyển xuống, trên cơ sở chức năng, vị trí công việc đòi hỏi bố trí con người phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Việc chọn lựa, bố trí cán bộ là một trong những vấn đề nhạy cảm, phức tạp và nhận được nhiều sự quan tâm của đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã thời gian qua.
Để thực hiện công tác này, theo tôi, cần làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức; đồng thời đặt ra nguyên tắc chung áp dụng cho cả nước để tránh có sự so bì giữa các địa phương, tổ chức và hạn chế được các tiêu cực trước khi bố trí sắp xếp nhân sự.

Song song với tinh gọn tổ chức bộ máy, cần phải đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Vậy theo ông, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp phải hoạt động ra sao để đảm bảo công việc thông suốt, hiệu lực, hiệu quả?
Để bảo đảm hoạt động thông suốt của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trước mắt phải xác định và quy hoạch một cách phù hợp vị trí các cơ quan hành chính đáp ứng yêu cầu xử lý công việc tốt nhất, hạn chế tối đa chi phí đi lại trong quá trình thực hiện công việc.
Bên cạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để rút ngắn khoảng cách địa lý, không gây gián đoạn trong công việc thì phương thức hoạt động sắp tới cần tăng cường thẩm quyền cho cấp tỉnh và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở. Xác định rõ thẩm quyền cho cấp cơ sở theo tinh thần “địa phương quyết”, “địa phương làm”, “địa phương chịu trách nhiệm”. Việc này sẽ phát huy sự năng động, chủ động của chính quyền cấp cơ sở, đồng thời giảm thiểu những vướng mắc trong mối quan hệ cấp trên, cấp dưới.
Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp có thể thực hiện cơ cấu theo chiều dọc là chính quyền thực hiện hoạt động theo mô hình trên xuống, dưới lên và chính quyền theo chiều ngang là sự phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp.
Tại các thành phố trực thuộc trung ương như TPHCM, việc tái cấu trúc bộ máy chính quyền đô thị sau khi không còn cấp huyện cần được chú ý những gì để quản lý, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị và cung ứng dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp?
Ở các đô thị lớn như TPHCM, việc tổ chức chính quyền đô thị là phương án hay để khai thác được tiềm năng của từng địa bàn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc chính quyền đô thị khi không còn cấp huyện cần có sự đổi mới theo hướng nâng cao tính tự chủ cho chính quyền đô thị cấp cơ sở. Theo đó, chính quyền cơ sở có thể căn cứ tình hình thực tiễn để đề ra những chính sách phù hợp. Các chính sách đó có thể khác với các vùng, các địa phương khác và chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Bên cạnh đó, cần tăng thẩm quyền cho người đứng đầu chính quyền đô thị - người có thẩm quyền cao nhất quyết định các vấn đề của địa phương mình. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý xã hội, phân tích chính sách, tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tăng cường công tác giám sát của nhân dân đối với chính quyền.
Để việc sắp xếp bộ máy hiệu quả và không ảnh hưởng tiêu cực lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần xác định rõ các công việc cần thực hiện khi sắp xếp bộ máy, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc cho từng công việc. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp để họ có kế hoạch phù hợp. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cần có sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đạt được hiệu quả.
Cảm ơn ông!