Tìm lời giải đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao

Chiều 14-10, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ LĐTB-XH, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”.

4.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: QUANG HUY

Tham dự hội thảo có các đồng chí: TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, và gần 100 đại biểu đến từ sở LĐTB-XH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… khu vực phía Nam, TP Hà Nội, Bắc Ninh.

2.jpg
TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUANG HUY

Phát biểu khai mạc, ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, để Việt Nam thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa, việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao là điều kiện tiên quyết, tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 chỉ đạt 27%.

Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là THCS (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%)…

Những con số thống kê này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho người lao động

Theo ông Lê Huy Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả đào tạo nghề thấp, trong đó chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; năng lực quản lý Nhà nước, nhất là ở địa phương còn yếu kém; chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo; nội dung chương trình đào tạo vẫn còn nhiều yếu tố không cập nhật; mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chủ yếu mới ở việc tạo điều kiện cho học viên thực tập, tham quan, ít tham gia đổi mới nội dung, chương trình đào tạo.

Cùng với đó, phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) khó khăn trong tuyển sinh, vướng mắc trong triển khai dạy văn hóa; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều người tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật cao...

“Nếu không có giải pháp phù hợp, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và dẫn tới nguy cơ không đạt được mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”, ông Lê Huy Nam đánh giá.

3.jpg
Ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUANG HUY

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận, kết quả tuyển sinh của 1.886 cơ sở GDNN (399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm GDNN) và 684 cơ sở GDNN ngoài công lập, trong giai đoạn 2020-2023 đạt 8,4 triệu người.

Trong đó, trình độ cao đẳng 760.000 người, trung cấp trên 1,1 triệu người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 6,5 triệu người.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao, giai đoạn 2019-2023 tuyển được trên 975.000 người. Các trường cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Đức. Học viên theo học các chương trình này được cấp cả 2 bằng và bằng cấp được các nước công nhận.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh sau THCS, THPT chưa đạt, do chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, triển khai chưa đồng bộ các giải pháp phân luồng học sinh. Nhiều địa phương còn quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, tốt nghiệp THPT vào đại học; đầu tư cho phát triển GDNN còn hạn chế; nhận thức của xã hội về đào tạo nghề chưa được coi trọng.

“Để đẩy mạnh phát triển GDNN trong giai đoạn mới, giải pháp đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân về GDNN, gắn chặt đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động và đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ của các trường; học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đi tắt đón đầu…”, ông Bình nhấn mạnh.

5.jpg
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH tham quan phòng học của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Ảnh: QUANG HUY

Sau khi gợi mở, lắng nghe các tham luận, hiến kế của đại biểu, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, ghi nhận các đại biểu đã nêu bật những thuận lợi, khó khăn của cơ sở GDNN, đặc biệt giúp giải đáp cơ bản khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể, thế nào là đào tạo nhân lực chất lượng cao và đào tạo nhân lực tay nghề cao.

Thời gian tới, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát các chính sách của Chính phủ để có được một hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho cơ sở GDNN. Tiếp đó, Bộ LĐTB-XH cần đánh giá, tổng kết lại Luật GDNN sau 10 năm đi vào cuộc sống, đến nay, cần sửa đổi gì để ngày càng sát thực tiễn hơn.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, cho biết, bộ sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách để cái nào còn phù hợp với thực tiễn thì tiếp tục áp dụng, cái nào đã lạc hậu cần phải thay đổi…

Mục đích chính là từng bước tháo gỡ các khó khăn, bất cập để GDNN phát triển, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục