Tìm lời giải căn cơ cho tro, xỉ than nhiệt điện: Chưa thể giải quyết tro, xỉ tồn

Như Báo SGGP ngày 24-6 đã thông tin, hướng giải quyết căn cơ tro, xỉ thải ra từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Nam đến nay vẫn chưa thống nhất. Trên cả nước còn tới 48 triệu tấn tro, xỉ đang tồn đọng tại bãi chứa của 28 nhà máy nhiệt điện. Việc giải quyết số tro, xỉ khổng lồ này đang rất nan giải khi số lượng tiêu thụ vẫn nhỏ hơn số lượng thải ra mỗi năm. 
Bãi chứa tro, xỉ than của 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng đang ngày càng quá tải
Bãi chứa tro, xỉ than của 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng đang ngày càng quá tải

Tốc độ tiêu thụ thấp hơn tốc độ thải ra

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong nhiều năm qua, cơ quan này đã tham mưu Chính phủ ban hành các quyết định đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã cùng Bộ KH-CN ban hành 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 3 định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến vật liệu tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy, tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đã có thể được sử dụng làm phụ gia cho xi măng, phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, cốt liệu cho bê tông và vữa… Gần đây, TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) “Tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp”, TCVN “Kỹ thuật thi công nghiệm thu tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường” cũng đã được công bố. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, với các tiêu chuẩn kỹ thuật đã có, số lượng tro, xỉ nhiệt điện được tiêu thụ đã tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong năm 2019, lượng tro, xỉ tiêu thụ được khoảng 11 triệu tấn; năm 2020 khoảng 12 triệu tấn; năm 2021 khoảng 14 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ hơn con số tro, xỉ thải ra bình quân 16 triệu tấn/năm; chưa kể có đến hơn 40 triệu tấn tro, xỉ tồn từ trước năm 2015. 

Lý giải về thực trạng này, nhìn ở góc độ của ngành giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ KH-CN mới chỉ công bố tiêu chuẩn quốc gia “Tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp” chung, dùng cho các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, chứ chưa có tiêu chuẩn của vật liệu đắp nền đường. Vì vậy, Bộ GTVT đã nghiên cứu và thí nghiệm sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm nền đường. Kết quả cho thấy nếu dùng nguyên tro, xỉ đắp nền đường sẽ không đạt được các tiêu chí về thành phần hạt, độ ổn định, độ trương nở khi ngấm nước và môi trường. Nếu làm đường quốc lộ, đường cao tốc đòi hỏi độ chịu tải lớn, loại vật liệu này có thể gây sụt lún nền đường. Với tính chất như vậy, tro, xỉ mới chỉ được được sử dụng làm nền đường giao thông nông thôn. Thực tế, một số địa phương như tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh đã sử dụng tro, xỉ làm nền đường giao thông nông thôn với kết quả rất khả quan. Thế nhưng, nếu chỉ có 2 địa phương này sử dụng tro, xỉ làm đường giao thông nông thôn, thì số lượng tro, xỉ khổng lồ đang tồn sẽ dùng không hết.  

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, bộ đã “nhìn thấy” bất cập này. Hiện nhiều địa phương khác cũng có nhu cầu làm đường giao thông nông thôn rất lớn nhưng chưa quan tâm đến việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu nền. Nếu chỉ tỉnh nào có nhà máy nhiệt điện mới dùng tro, xỉ làm đường giao thông nông thôn thì số lượng tiêu thụ không đáng kể. Do đó, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đang nỗ lực sớm ban hành hướng dẫn về định mức, đơn giá, thi công, nghiệm thu tại dự án sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong các công trình giao thông nông thôn và công trình xây dựng khác để các địa phương có thể tham gia sử dụng loại vật liệu này. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cần hỗ trợ, triển khai thực hiện giải pháp sử dụng tro, xỉ trong công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn. Cần ưu tiên các công trình KH-CN cấp tỉnh về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Tiếp tục nghiên cứu

Theo thứ trưởng Lê Quang Hùng, để giải quyết được số tro, xỉ tồn đọng, giải pháp hữu hiệu nhất là nghiên cứu sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, đắp nền cho các dự án đường cao tốc. Hiện nhu cầu vật liệu san lấp, đắp nền cho các dự án đường cao tốc rất lớn, hàng triệu tấn/năm, trong khi đó, việc khai thác các mỏ vật liệu địa phương gặp khó khăn. Vấn đề vướng mắc là, việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, đắp nền đường cao tốc chưa có tiền lệ, do đó, việc nghiên cứu cần thận trọng. Trước áp lực nhu cầu lớn về vật liệu đắp nền các dự án đường bộ cao tốc trong tương lai, cuối tháng 5-2022, Bộ GTVT đã tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15-12-2022. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các đơn vị như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Trường Đại học Công nghệ GTVT sẽ tiếp tục chủ động đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng vật liệu tro, xỉ làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên trong kế hoạch năm 2022, năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị sẽ nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm các nước theo hướng cho thêm phụ gia như vôi, xi măng vào tro xỉ theo tỉ lệ phù hợp để đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật vật liệu đắp nền đường cao tốc.

Hiện các nhà máy nhiệt điện than đang ngóng đợi sự chấp thuận của Bộ GTVT để có thể có cơ hội tiêu thụ khối lượng lớn tro, xỉ, giải phóng bãi chứa đã bị ùn ứ hàng chục năm. Và người dân khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện than cũng mong muốn có hướng giải quyết căn cơ tro, xỉ để môi trường có thể trong lành trở lại… Hoạt động nghiên cứu vẫn đang được thực hiện nhưng với tiến độ này, việc tiêu thụ số tro, xỉ tồn đọng vẫn chưa khả quan, các bãi chứa tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vẫn tiếp tục phình ra. Do đó, việc cần làm hiện nay là các bộ, ngành chức năng phải “nhanh” hơn nữa.

Ưu tiên dùng tro, xỉ làm các công trình


Theo Bộ Xây dựng, tro, xỉ còn nhiều tiềm năng để làm vật liệu xây dựng, vật liệu không nung, san lấp, bê tông... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể về việc đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ tro, xỉ cho các nhà máy nhiệt điện; trong đó, yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, ưu tiên sử dụng tro xỉ vào các dự án giao thông. 

Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng tro, xỉ; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Bộ NN-PTNT được yêu cầu phải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào các công trình do bộ quản lý. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cần tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KH-CN về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực sản xuất. 

Nếu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này thì việc tiêu thụ tro, xỉ sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Các nhà máy nhiệt điện cũng cần phân loại rõ tro, xỉ, thạch cao trước khi cung cấp cho cơ sở sử dụng; chủ động tạo điều kiện cho các nhà thầu để có thể tiếp nhận, vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ một cách thuận lợi.

* Thông tin từ Viện Vật liệu xây dựng, việc tiêu thụ tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, điển hình là làm gạch xỉ, còn gọi là gạch ba vanh, khá phổ biến ở nhiều địa phương phía Bắc. Đây là loại gạch được làm từ xỉ than, vôi và thành phần nhỏ xi măng. Trước đây, gạch ba vanh được đóng thủ công bằng khuôn nhưng hiện nay đã được sản xuất bằng máy với công suất nhỏ. So với các loại gạch nung, gạch ba vanh có ưu điểm là thân thiện môi trường, giá thành rẻ, thi công nhanh… 

Theo các chuyên gia xây dựng, gạch ba vanh phù hợp với việc xây dựng các công trình nhà cấp 4, nhà vệ sinh, tường rào ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện người dân ở nhiều địa phương vẫn ưa chuộng sử dụng gạch nung cho các loại công trình và e ngại sử dụng loại gạch này, vì chưa hiểu hoặc chưa tin tưởng về chất lượng. Nếu gạch ba vanh được công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng cụ thể thì việc tiêu thụ sẽ được đẩy mạnh, có thể thay thế gạch nung trong công trình nhỏ. Công tác tuyên truyền về lợi ích đối với môi trường của việc sử dụng vật liệu không nung cũng cần đẩy mạnh hơn.  

Tin cùng chuyên mục