Chật vật ra “biển lớn”
Cuối năm 2016 hội chợ sách lớn nhất thế giới vừa tổ chức tại Frankfurt (Đức), điều đáng buồn là nếu hàng ngàn đơn vị xuất bản của hàng trăm quốc gia đến để giao dịch bản quyền sách thì gian hàng Việt Nam chỉ dừng lại ở giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người, còn không bán được bản quyền sách. Trước đó, tại Hội chợ Sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), sách Việt cũng lặng lẽ. Nghe tin sách truyện của họa sĩ Khoa Lê được một NXB Trung Quốc mua bản quyền, nhưng niềm vui chợt tắt khi đây là thương vụ giữa Nuinui, một NXB Thụy Sĩ thực hiện, chứ không phải của NXB Việt Nam.
Có thể nói, giấc mơ đưa sách Việt ra thế giới để giới thiệu nền văn học Việt Nam, giới thiệu những nét hay, đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam chưa bao giờ tắt. Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức không dưới chục hội thảo, tọa đàm, hội nghị để tìm hướng đi cho sách Việt. Khi thấy có ý kiến của các NXB than rằng, thiếu sách được chuyển ngữ để giới thiệu, hội đã thành lập cả một trung tâm dịch văn học làm công tác này. Các cá nhân khác cũng nhiệt tình nhập cuộc, nổi bật có Chibooks với việc nhận làm đại diện cho gần 20 nhà văn với trên 100 tác phẩm để chào bán bản quyền.
Thế nhưng, các kế hoạch, dự án đều nhanh chóng tan vỡ, lý do có nhiều nhưng theo đánh giá thì tựu trung là thiếu tổ chức, đặc biệt là sự kết hợp giữa các đơn vị. Với vấn đề dịch thuật, việc dịch giả trong nước chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Anh bị xem là làm ngược so với thông lệ. Thường là sách vào nước nào, dịch giả bản xứ nơi đó sẽ đảm nhận để có thể chuyển tải ý nghĩa tác phẩm theo đúng văn hóa của bạn đọc bản địa. Mô hình của Chibooks được đánh giá là đúng đắn, nhưng chỉ là một mắt xích trong cả hệ thống, bởi một mình Chibooks không thể làm hết những việc như chào bán đến các nhà phát hành, quảng bá đến các nước. Đơn độc nên không có gì lạ khi Chibooks nhanh chóng thất bại trong dự án của mình.
Một mâu thuẫn rất lớn trong việc mua bán bản quyền sách tầm quốc tế ở Việt Nam hiện nay đó là, dù các NXB, công ty sách Việt được đánh giá là dày dạn kinh nghiệm, chuyên nghiệp hàng đầu khu vực, nhưng việc bán bản quyền lại vô cùng mờ nhạt, yếu ớt. Đó là nhận xét của bà Pimolporn Yutisri, Giám đốc Tuttle-Mori Agency Bangkok, một công ty bản quyền đại diện cho nhiều NXB thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một chi nhánh của Công ty Tuttle-Mori Agency có trụ sở chính tại Nhật Bản. Theo ghi nhận của công ty này, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam và Thái Lan luôn là 2 quốc gia cạnh tranh nhau nhiều nhất trong lĩnh vực mua bản quyền sách. Hiện nay, số lượng sách mua bản quyền ở Việt Nam lớn nhất. Thậm chí chỉ trong 1 tuần trước Hội sách quốc tế ở Hà Nội, công ty này đã nhận được hơn 60 lời đề nghị mua bản quyền từ phía các công ty Việt Nam, trong đó có NXB còn đề nghị mua đến 10 bản quyền chỉ trong 1 giao dịch. “Đó là một con số rất lớn”, bà Pimolporn Yutisri cho biết.
Nhưng ở hướng ngược lại, hầu như không có một đơn vị nào chào bán bản quyền thông qua Tuttle-Mori Agency Bangkok. Thậm chí ngay tại hội sách, nhiều tác giả còn không biết phải làm sao để giới thiệu tác phẩm đến công ty bản quyền. Điển hình như trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có nhiều tác phẩm được dịch và phát hành tại các nước Mỹ, Anh, Nga, Thái Lan… nhưng đều theo con đường “tiểu ngạch”. Bạn đọc yêu thích, tự xin phép tác giả chuyển ngữ, xuất bản tại nước mình, hầu như không thông qua một kênh chính thức nào.
Chủ động và khai thác đúng thị hiếu
Không phải các tác giả trong nước không muốn sách mình bay xa, nhiều tác giả do không tìm được nơi để gửi gắm tác phẩm đã chủ động tự bán bản quyền sách trên mạng. Cách này, theo nhận xét là rất chậm, giống như “há miệng chờ sung”, bởi không biết đến bao giờ mới có người mua để ý đến. Ưu điểm của việc thông qua một nhà đại diện là họ có kênh giới thiệu quy mô toàn cầu, có thể định hướng tác phẩm phù hợp thị trường, bạn đọc, để chủ động chào bán. Với mối quan hệ của các đơn vị xuất bản, làm sách trong nước và các tập đoàn mua bán bản quyền quốc tế, việc tìm hướng xuất ngoại cho sách sẽ có dấu hiệu lạc quan hơn.
Nhiều kinh nghiệm về việc làm sao để đưa sách xuất ngoại cũng đã được ghi nhận. Chẳng hạn, từ trước đến nay, việc chọn sách xuất ngoại thường dựa vào các giải thưởng lớn trong nước, sự nổi tiếng của tác giả, tác phẩm… thế nhưng, thực tế tác phẩm được bạn đọc Việt ưa thích không có nghĩa là bạn đọc nước khác cũng thích. Theo bà Pimolporn Yutisri, thay vì cố gắng đưa những tác phẩm văn học, nghiên cứu có nội dung phức tạp ra nước ngoài, các đơn vị trong nước có thể bắt đầu bằng các loại sách dành cho trẻ em như sách tranh, sách minh họa hình ảnh. Trẻ em ở đâu cũng có những đặc điểm giống nhau như thích hình ảnh, màu sắc, động vật… đây cũng là loại sách dễ bán hiện nay. Từ từ, khi đã quen thuộc mới tiếp tục với các dạng sách khác. Ngoài ra, định hướng thị trường cũng là việc quan trọng, ví dụ như sách vào thị trường Malaysia phải chú ý đây là nước bạn đọc theo đạo Hồi nhiều, kiêng thịt heo và trẻ em ăn mặc kín đáo. Bài học này đã từng diễn ra ở Việt Nam khi văn học Hàn Quốc tìm đến bạn đọc Việt bằng các tác phẩm hậu chiến. Đó là những tác phẩm rất thành công ở Hàn Quốc, nhưng với bạn đọc Việt hầu như không ấn tượng. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu bạn đọc thế giới được xem là quan trọng nhất. Có một giai đoạn, cứ cho rằng bạn đọc thế giới thích đọc sách chiến tranh Việt Nam hay sách về thời kỳ mở cửa, trong khi thực tế đó đều là những dòng sách kén bạn đọc. Hiện nay, dòng sách kỹ năng, sách nuôi dạy con, sách về ý tưởng mới đang được ưa chuộng.
Cuối năm 2016 hội chợ sách lớn nhất thế giới vừa tổ chức tại Frankfurt (Đức), điều đáng buồn là nếu hàng ngàn đơn vị xuất bản của hàng trăm quốc gia đến để giao dịch bản quyền sách thì gian hàng Việt Nam chỉ dừng lại ở giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người, còn không bán được bản quyền sách. Trước đó, tại Hội chợ Sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), sách Việt cũng lặng lẽ. Nghe tin sách truyện của họa sĩ Khoa Lê được một NXB Trung Quốc mua bản quyền, nhưng niềm vui chợt tắt khi đây là thương vụ giữa Nuinui, một NXB Thụy Sĩ thực hiện, chứ không phải của NXB Việt Nam.
Có thể nói, giấc mơ đưa sách Việt ra thế giới để giới thiệu nền văn học Việt Nam, giới thiệu những nét hay, đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam chưa bao giờ tắt. Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức không dưới chục hội thảo, tọa đàm, hội nghị để tìm hướng đi cho sách Việt. Khi thấy có ý kiến của các NXB than rằng, thiếu sách được chuyển ngữ để giới thiệu, hội đã thành lập cả một trung tâm dịch văn học làm công tác này. Các cá nhân khác cũng nhiệt tình nhập cuộc, nổi bật có Chibooks với việc nhận làm đại diện cho gần 20 nhà văn với trên 100 tác phẩm để chào bán bản quyền.
Thế nhưng, các kế hoạch, dự án đều nhanh chóng tan vỡ, lý do có nhiều nhưng theo đánh giá thì tựu trung là thiếu tổ chức, đặc biệt là sự kết hợp giữa các đơn vị. Với vấn đề dịch thuật, việc dịch giả trong nước chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Anh bị xem là làm ngược so với thông lệ. Thường là sách vào nước nào, dịch giả bản xứ nơi đó sẽ đảm nhận để có thể chuyển tải ý nghĩa tác phẩm theo đúng văn hóa của bạn đọc bản địa. Mô hình của Chibooks được đánh giá là đúng đắn, nhưng chỉ là một mắt xích trong cả hệ thống, bởi một mình Chibooks không thể làm hết những việc như chào bán đến các nhà phát hành, quảng bá đến các nước. Đơn độc nên không có gì lạ khi Chibooks nhanh chóng thất bại trong dự án của mình.
Một mâu thuẫn rất lớn trong việc mua bán bản quyền sách tầm quốc tế ở Việt Nam hiện nay đó là, dù các NXB, công ty sách Việt được đánh giá là dày dạn kinh nghiệm, chuyên nghiệp hàng đầu khu vực, nhưng việc bán bản quyền lại vô cùng mờ nhạt, yếu ớt. Đó là nhận xét của bà Pimolporn Yutisri, Giám đốc Tuttle-Mori Agency Bangkok, một công ty bản quyền đại diện cho nhiều NXB thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một chi nhánh của Công ty Tuttle-Mori Agency có trụ sở chính tại Nhật Bản. Theo ghi nhận của công ty này, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam và Thái Lan luôn là 2 quốc gia cạnh tranh nhau nhiều nhất trong lĩnh vực mua bản quyền sách. Hiện nay, số lượng sách mua bản quyền ở Việt Nam lớn nhất. Thậm chí chỉ trong 1 tuần trước Hội sách quốc tế ở Hà Nội, công ty này đã nhận được hơn 60 lời đề nghị mua bản quyền từ phía các công ty Việt Nam, trong đó có NXB còn đề nghị mua đến 10 bản quyền chỉ trong 1 giao dịch. “Đó là một con số rất lớn”, bà Pimolporn Yutisri cho biết.
Nhưng ở hướng ngược lại, hầu như không có một đơn vị nào chào bán bản quyền thông qua Tuttle-Mori Agency Bangkok. Thậm chí ngay tại hội sách, nhiều tác giả còn không biết phải làm sao để giới thiệu tác phẩm đến công ty bản quyền. Điển hình như trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có nhiều tác phẩm được dịch và phát hành tại các nước Mỹ, Anh, Nga, Thái Lan… nhưng đều theo con đường “tiểu ngạch”. Bạn đọc yêu thích, tự xin phép tác giả chuyển ngữ, xuất bản tại nước mình, hầu như không thông qua một kênh chính thức nào.
Chủ động và khai thác đúng thị hiếu
Không phải các tác giả trong nước không muốn sách mình bay xa, nhiều tác giả do không tìm được nơi để gửi gắm tác phẩm đã chủ động tự bán bản quyền sách trên mạng. Cách này, theo nhận xét là rất chậm, giống như “há miệng chờ sung”, bởi không biết đến bao giờ mới có người mua để ý đến. Ưu điểm của việc thông qua một nhà đại diện là họ có kênh giới thiệu quy mô toàn cầu, có thể định hướng tác phẩm phù hợp thị trường, bạn đọc, để chủ động chào bán. Với mối quan hệ của các đơn vị xuất bản, làm sách trong nước và các tập đoàn mua bán bản quyền quốc tế, việc tìm hướng xuất ngoại cho sách sẽ có dấu hiệu lạc quan hơn.
Nhiều kinh nghiệm về việc làm sao để đưa sách xuất ngoại cũng đã được ghi nhận. Chẳng hạn, từ trước đến nay, việc chọn sách xuất ngoại thường dựa vào các giải thưởng lớn trong nước, sự nổi tiếng của tác giả, tác phẩm… thế nhưng, thực tế tác phẩm được bạn đọc Việt ưa thích không có nghĩa là bạn đọc nước khác cũng thích. Theo bà Pimolporn Yutisri, thay vì cố gắng đưa những tác phẩm văn học, nghiên cứu có nội dung phức tạp ra nước ngoài, các đơn vị trong nước có thể bắt đầu bằng các loại sách dành cho trẻ em như sách tranh, sách minh họa hình ảnh. Trẻ em ở đâu cũng có những đặc điểm giống nhau như thích hình ảnh, màu sắc, động vật… đây cũng là loại sách dễ bán hiện nay. Từ từ, khi đã quen thuộc mới tiếp tục với các dạng sách khác. Ngoài ra, định hướng thị trường cũng là việc quan trọng, ví dụ như sách vào thị trường Malaysia phải chú ý đây là nước bạn đọc theo đạo Hồi nhiều, kiêng thịt heo và trẻ em ăn mặc kín đáo. Bài học này đã từng diễn ra ở Việt Nam khi văn học Hàn Quốc tìm đến bạn đọc Việt bằng các tác phẩm hậu chiến. Đó là những tác phẩm rất thành công ở Hàn Quốc, nhưng với bạn đọc Việt hầu như không ấn tượng. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu bạn đọc thế giới được xem là quan trọng nhất. Có một giai đoạn, cứ cho rằng bạn đọc thế giới thích đọc sách chiến tranh Việt Nam hay sách về thời kỳ mở cửa, trong khi thực tế đó đều là những dòng sách kén bạn đọc. Hiện nay, dòng sách kỹ năng, sách nuôi dạy con, sách về ý tưởng mới đang được ưa chuộng.