Nếu như căn bệnh về tai nạn giao thông đã cơ bản được kiềm chế bằng các liều thuốc mạnh như việc xử lý nồng độ cồn, thì công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) vẫn đang là căn bệnh dai dẳng, đau đớn mỗi khi có hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra.
PCCC đối với nhà ở tại các đô thị lớn ở nước ta lại là một vấn đề phức tạp. Có rất nhiều loại hình nhà ở đang tồn tại ở đô thị, trong đó, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cho thuê trọ là phương thức khá phổ biến của người dân ở các khu đô thị, thành phố lớn. Vì mưu sinh, vì nhiều lý do khác mà phải thừa nhận có sự chủ quan trong công tác PCCC, từ người dân cho tới các cơ quan chức năng đối với loại hình nhà ở này.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 19-6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật PCCC và CNCH. Thảo luận tại nghị trường và tại tổ, sự băn khoăn của các đại biểu về dự án luật còn nhiều, có ý kiến cho rằng nội dung về phòng cháy còn sơ sài, chương 2 của dự án Luật PCCC và CNCH chỉ có vài điều về phòng cháy…
Vậy liều thuốc nào đủ mạnh để kiềm chế căn bệnh này? Theo người viết, chỉ có chế tài đủ mạnh mới thay đổi được tình hình hiện nay, giống như câu chuyện xử phạt nặng hành vi có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Dự án Luật PCCC và CNCH cần thiết kế riêng các quy định về điều kiện đảm bảo PCCC với nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là mô hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có quy định chế tài xử phạt cụ thể, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm PCCC trong các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trong khi chờ tìm thuốc, trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát thực tế, phân loại loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh ở những khu vực có nguy cơ cao; từ đó có những đánh giá hiện trạng và yêu cầu hộ kinh doanh phải thực hiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng về PCCC vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học để từng bước nâng cao nhận thức người dân.