Đây là những công trình khi chưa về hưu, còn công tác tại Ban Chương trình - xã hội Báo SGGP, chúng tôi được đi đến khắp mọi miền đất nước để tham gia xây nhà tình thương, xây trường học, xây nhà nội trú cho học sinh vùng sâu vùng xa, đưa các cháu bệnh tim bẩm sinh đến bệnh viện phẫu thuật, tặng quà cho những gia đình nghèo ăn tết, đưa đoàn bác sĩ về nông thôn khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo, tặng xe lăn cho người tàn tật nghèo, xây cầu bê tông những vùng sâu hẻo lánh… Nói là vậy, nhưng tôi chỉ chọn những công trình đã để lại trong tâm tư tình cảm của tôi nhiều ấn tượng nhất.
Chúng tôi đến đầu tiên là xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nơi Báo SGGP đã vận động Xí nghiệp tấm cách nhiệt panel do ông Huỳnh Đức Mãnh làm Giám đốc, xây dựng một cây cầu bắc qua kênh Xẻo Môn - một cây cầu mà bao đời nay người dân mong đợi. Trẻ con đi học đò giang cách trở, những hôm dông gió, các bậc cha mẹ đứng ngồi không yên, phải ra bờ sông đứng đợi con về. Còn chuyện đi lại của bà con thì cũng theo đó rất vất vả, nhất là nông sản khi thu hoạch vận chuyển ra chợ bán cũng khó khăn, đành phó thác cho thương lái ép giá. Thấu hiểu hoàn cảnh trong việc đi lại của bà con, ông Huỳnh Đức Mãnh đồng ý đưa vật tư nguyên liệu và công nhân xuống kênh Xẻo Môn xây cầu. Bấy giờ chị Hồng Đào làm Tổng biên tập Báo Hậu Giang, cũng đóng góp 10 triệu đồng cùng Báo SGGP làm công tác xã hội. Đây là một chuyến công tác tôi và người dân ở kênh Xẻo Môn và anh em công nhân từ TPHCM xuống xây cầu nhớ hoài không quên. Số là, khi xe vận chuyển vật tư nguyên liệu xuống đến Phụng Hiệp thì trời đã tối, sau đó tiếp tục đưa xuống ghe máy đuôi tôm chở về kênh Xẻo Môn đường xa hơn 10km. Khi quẹo cua từ sông cái Phụng Hiệp vào kênh Xẻo Môn, thì ghe máy bị lật chìm. Bác lái tàu hốt hoảng la làng, nhờ bà con ở dọc theo hai bên bờ sông đưa xuồng ra cứu vớt 6 công nhân. Một đêm không trăng, mặt sông tối om, tiếng la thất thanh của mọi người làm kinh hoàng cả một khúc sông. Mọi người mang đèn pin ra rọi sáng, nhiều người nhảy xuống sông lội ra ứng cứu. Lúc bấy giờ tôi đang đưa đoàn bác sĩ đến huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo do Báo SGGP tổ chức. Tôi được anh Thới, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, điện cho biết là ghe chở vật tư làm cầu bị chìm, bà con đang lội ra sông lo cứu vớt các anh công nhân, sự việc chưa biết thế nào. Tôi chết điếng, vội nhờ bà con đưa ra Bến xe Vĩnh Long để về Phụng Hiệp, nhưng đã hết xe, phải chờ xe từ TPHCM về Sóc Trăng, Cà Mau nếu còn chỗ trống thì đi. Thấy tôi sốt ruột, một anh trong ban điều hành xe Phương Trang tại bến Vĩnh Long đến hỏi thăm, tôi trình bày sự việc, anh liền nói: Thôi thì xe Phương Trang cùng với Báo SGGP làm từ thiện, tôi cho xe trung chuyển đưa anh về Phụng Hiệp mà không lấy tiền. Nhờ vậy mà tôi đã kịp có mặt tại Phụng Hiệp. Như là một phép mầu, 6 công nhân đều bình yên vì các tấm panel dùng để lót làm mặt cầu nổi trên mặt nước như là cái phao, nhờ vậy mà công nhân đeo bám lội vô bờ. Gặp lại anh Thới, bây giờ là Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm khó quên, trong cái rủi có cái may. Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết cây cầu Xẻo Môn do Báo SGGP xây giúp bà con chẳng những đi lại thuận lợi mà còn tạo điều kiện cho xã Phụng Hiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã nhà. Mọi người dân rất biết giữ gìn cây cầu, xem như tài sản quý của cả xã. Vừa qua, do triều cường làm sụp lở móng cầu, bà con tự động chung sức lo tu bổ, nhờ vậy mà chiếc cầu luôn trong tình trạng như mới. Chúng tôi đến thăm chiếc cầu vẫn còn nguyên vẹn như lúc mới xây cách đây gần 10 năm, xe Honda xuôi ngược liên tục. Thẳng đường, chúng tôi đến xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Nơi đây, 13 năm trước chúng tôi đã viết bài vận động giúp một gia đình có 6 người đều bị mù. Bà con lối xóm thương tình thuê họ nhổ cỏ ruộng, rẫy sống qua ngày, có 2 người lên TPHCM bán vé số bằng nghề đàn hát dạo. Kết quả của bài báo là họ được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ tiền cất nhà, xã cấp đất. Hôm chúng tôi xuống, căn nhà cũ đã hư hỏng, MTTQ xã An Thạnh Tây giúp xây dựng lại ngôi nhà mới. Anh Lê Công Giàu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung nói: “Công tác xã hội của Báo SGGP từ lâu đã đi vào chiều sâu của cuộc sống, nhất là cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh, cho họ có lại nụ cười đã mất từ lâu”. Tiếp theo chúng tôi đến vùng Miệt Thứ cuối cùng, thứ 11. Đó là ngôi nhà của ông Trần Văn Dữ tại xã Vân Khánh (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). Ông Dữ sống bằng nghề gác kèo ong, quanh năm trong rừng, kiếm từng lít mật ong sống qua ngày. Hoàn cảnh quá nghèo khổ, ngôi nhà muốn sập mà không tiền xây lại. Đã vậy, người con trai lớn của ông ra Rạch Giá làm công nhân vác nước đá, chẳng may trong lúc lao động vấp té, bị cây nước đá đè gãy xương sống, nằm liệt 6 tháng thì chết, bỏ lại vợ và hai con còn nhỏ. Vợ anh phải đi bán vé số ngoài bến phà Tắc Cậu, tối ngủ nhờ ngoài hành lang quanh đó, vài ba ngày mới về nhà thăm con. Anh Nguyễn Trung Hưng, Bí thư xã Vân Khánh có gợi ý, đây là gia đình rất cần sự hỗ trợ, mong bạn đọc Báo SGGP giúp gia đình có ngôi nhà mới để ở. Tôi về viết bài đăng trên mục Nhịp cầu nhân ái của Báo SGGP, kêu gọi các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ và tôi mang tiền giao cho xã để xây nhà cho ông Trần Văn Dữ. Mới đó mà đã 10 năm rồi. Hai đứa cháu nội mồ côi cha của ông nay đã lớn, cô con dâu không còn phải nhọc nhằn mưa gió bán vé số. Từ ngày căn nhà xây dựng lại đàng hoàng, chị mở hàng cà phê bán cũng tạm ổn qua ngày. Khi tôi đến, ông Dữ không có nhà, ông vào rừng gác kèo ong từ sáng sớm. Bà Hai - vợ ông Dữ bày tỏ: “Từ ngày được Báo SGGP giúp đỡ, xây cho gia đình tôi căn nhà tường quá đẹp. Đêm về ngủ yên giấc, không còn lo nhà dột, hết nỗi lo sợ mưa gió sập nhà. Mỗi khi tết về, thực sự chúng tôi mới thấy có mùa xuân”. Lúc tiễn tôi ra về, bà Hai còn nói với theo bằng giọng hớn hở: “Sắp tết nữa rồi, vậy là suốt 10 năm, từ ngày tôi được xây nhà mới, vô tình Báo SGGP như đã đưa tết về nhà tôi”. Câu nói đơn sơ nhưng sao thấy ấm lòng quá đỗi.
Căn nhà do Báo SGGP vận động tặng gia đình ông Trần Văn Dữ
Chúng tôi đèo nhau về xã Nhị Long, huyện Càng Long, tìm nhà em Trần Thị Thúy, mà 12 năm trước, Báo SGGP đã vận động giúp em mổ tim bẩm sinh. Xe dừng lại trước một ngôi nhà xây tường khá đẹp, tôi ngỡ mình đã lầm nhà, vì trước kia nhà của em Thúy trống trước dột sau, trong nhà chỉ có duy nhất một cái giường tre để em nằm với những hơi thở nặng nề, khó nhọc. Bác sĩ cho biết, nếu em không phẫu thuật tim thì không thể nào sống lâu. Khi nhận ra tôi chính là người của Báo SGGP vận động kinh phí cho em Thúy mổ tim, má của em mừng rỡ mời tôi vào nhà. Bà cho biết, bây giờ Thúy đã khỏe mạnh và có chồng con. Hai vợ chồng làm ăn phát đạt, cho tiền bà xây lại căn nhà. Bà cảm kích, Báo SGGP như người mẹ thứ hai cho Thúy sự sống và mang hạnh phúc đến cho gia đình của bà.
Chúng tôi trở về TPHCM trong cái lạnh bất chợt của thời tiết cuối năm, trong lòng thấy ấm áp. Chính niềm hạnh phúc của những người đã nhận được sự tương thân tương trợ thiết thực từ tấm lòng của bạn đọc Báo SGGP đã tạo cho chúng tôi niềm tin yêu nghề nghiệp, vẹn tình bút sắc lòng trong.