Tâm lý thường thấy ở con người
Tác giả Jonathan Rauch mở đầu cuốn sách Đường cong hạnh phúc bằng việc giới thiệu 4 kiệt tác nổi tiếng của họa sĩ Thomas Cole về hành trình cuộc sống. Không chỉ là kiệt tác về nghệ thuật hội họa, bốn bức họa còn là tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật kể chuyện.
Bộ tác phẩm viết lên câu chuyện về bốn giai đoạn trong cuộc đời của con người - thời thơ ấu, thanh xuân, trung niên và tuổi già... mà càng có trải nghiệm cuộc sống, độc giả/ người xem tranh càng thán phục sự thông tuệ, tài ba của họa sĩ. Trong đó, con người lần lượt trải qua giai đoạn thơ ấu ngây thơ, háo hức với cuộc sống; đến giai đoạn trưởng thành hân hoan, đầy hy vọng về tương lai.
Trong hai chương tiếp theo của Đường cong hạnh phúc, tác giả Jonathan viết về những điều mang lại và không mang lại hạnh phúc cho lứa tuổi trung niên, cũng như những nghiên cứu khoa học chứng minh tâm lý ủ ê, chán chường… là điều thường thấy ở đa phần người trung tuổi.
Thực tế, dữ liệu lớn của rất nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, tâm lý, thần kinh học cho thấy: Không chỉ những người gặp khó khăn về mặt kinh tế, hay hạnh phúc gia đình, có gánh nặng nuôi dạy con cái đang trưởng thành, cha mẹ đau yếu… mới cảm thấy chán nản; mà rất nhiều người ở độ tuổi trung niên có sự nghiệp thành đạt, gia đình viên mãn cũng cảm thấy chán nản; thậm chí không dám thổ lộ tâm trạng này tới người bạn đời của mình.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất: Khủng hoảng ở độ tuổi trung niên là tâm lý tự nhiên thường thấy ở con người. Và sự cảm nhận về hạnh phúc của con người từ khi sinh ra đến khi mất đi là một đường cong, trong đó mức độ hạnh phúc sẽ giảm dần từ sau giai đoạn tuổi trẻ, chạm đáy ở giai đoạn trung tuổi, rồi tăng trở lại khi đạt mốc 50 của mỗi người.
Công bố quá trình tìm hiểu của bản thân cùng nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khác về chủ đề này, nhưng bằng cách viết ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, xen lẫn câu chuyện sinh động về những cá nhân tiêu biểu trong quá trình tìm hiểu, tác giả Jonathan Rauch giúp độc giả nhẹ nhàng tiếp nhận khái niệm “đường cong hạnh phúc”, giai đoạn tinh thần đi xuống ở độ tuổi trung niên, cũng như những căn nguyên gây ra hiện tượng đó. Từ đó ông đưa ra những đề xuất giúp độc giả có thể thuận lợi chấp nhận và vượt qua giai đoạn u ám này của cuộc đời.
Hành trình tìm lại hạnh phúc
Theo tác giả Jonathan Rauch, kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học kinh tế hành vi cho thấy: Phần lớn mọi người đều hay so sánh mình với những người xung quanh. Và họ thường thấy hạnh phúc khi bản thân thành công hơn người khác và ngược lại: cảm thấy bất hạnh, chán chường khi so sánh mình với những người thành đạt khác.
Đây là lý do khiến nhiều người đến tuổi trung niên, dù có gia đình hòa thuận, sự nghiệp khá thành công, tài sản tích lũy được tương đối, thậm chí vượt xa so với mong muốn thời trẻ tuổi nhưng vẫn thấy buồn chán khi so sánh mình với người khác, đặc biệt là những người thành công hơn với tổng tài sản nhiều hơn, chức vụ cao hơn…
Và để có thể hạnh phúc, Jonathan Rauch khuyên mọi người nên dừng ngay việc so sánh bản thân với người khác, “hãy nhìn xuống chứ đừng nhìn lên”, ngược lại chúng ta sẽ vĩnh viễn tìm thấy người hơn mình.
Đây là lời khuyên tưởng chừng như đơn giản, nhưng việc thực hiện thì không dễ dàng. Tuy nhiên, đúng như tác giả cuốn sách Đường cong hạnh phúc viết: Cố gắng thực hiện được điều này, bạn sẽ sớm có được sự thanh thản cho tâm hồn.
Một cách tìm lại hạnh phúc khác là thực hành lòng biết ơn. Tác giả Jonathan khuyên độc giả hãy nghĩ lại những mục tiêu mà bản thân mình đặt ra khi mới bước vào cuộc đời và so sánh nó với những thành tựu mình đã đạt được ở độ tuổi trung niên.
Nếu những thành tựu mà mình đạt được tương đương hay vượt qua cả các mục tiêu đó, hãy biết ơn cuộc đời và tất cả những gì đã giúp mình đạt được những thành công đó. “Khi thực hiện lòng biết ơn, hạnh phúc sẽ quay trở lại với bạn”.
Đây chỉ là hai trong nhiều hướng dẫn hữu ích khác được tác giả gửi đến độc giả thông qua cuốn sách. Đường cong hạnh phúc vì thế là một cuốn sách không chỉ giúp độc giả nhận biết được một giai đoạn tất yếu trong cuộc sống, để chuẩn bị đón nhận nó một cách chủ động; mà còn là một cuốn cẩm nang hữu ích hướng dẫn độc giả cách vượt qua giai đoạn ì trệ, tăm tối của tuổi trung niên một cách tốt nhất.
Xét đến tận cùng, giàu sang, chức tước hay địa vị… nếu đứng riêng rẽ thì sẽ không thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống con người bằng hạnh phúc.
Và cuốn sách Đường cong hạnh phúc là một cuốn sách đáng đọc không chỉ với những người đang ở lứa tuổi trung niên, mà cả những người đang ở giai đoạn trưởng thành, để có chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn kế tiếp của cuộc đời. Những người đã ở tuổi “xế bóng về chiều” nhưng chậm chạp chưa tìm lại được hạnh phúc của cuộc sống cũng có thể tìm thấy kim chỉ nam đúng đắn ở trong cuốn sách.