Hội thảo thu hút trên 80 nhà nghiên cứu, học giả, du khách… trong và ngoài nước đến tham dự. Các học giả lần lượt trình bày những phát hiện, công trình nghiên cứu của mình phục vụ cho việc làm sáng tỏ giá trị của gốm cổ Champa - Vương quốc Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt cùng giai đoạn.
Tại hội thảo gốm cổ Bình Định, các học giả đã trình bày những nghiên cứu, phát hiện của mình từ trước đến nay. Nhiều vấn đề đã được giải mã như loại hình, đặc trưng, niên đại, vai trò của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Champa và Đại Việt trong lịch sử; lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở tỉnh Bình Định, chủ nhân của các lò gốm này; vai trò, vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Nhiều vấn đề đã được bàn bạc và thống nhất xác định như chủ nhân của gốm cổ Bình Định thời kỳ Vương quốc Vijaya đó chính là người Champa và Đại Việt. Các học giả đi đến tham luận về mối quan hệ giữa gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV).
PGS.TS Bùi Chí Hoàng – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết: “Từ những năm 1990-1995, các công trình nghiên cứu đã đưa đến một kết quả rõ ràng, xác định tại Bình Định từ Vương quốc Vijaya là một trung tâm sản xuất gốm sứ của Champa. Có nhiều sản phẩm phẩm gốm cổ Bình Định đã được phát hiện ở nhiều nơi như Tây Nguyên, Lâm Đồng… điều này có vai trò rất quan trọng để xác định đường lối thương mại trong nước".
PGS. TS Bùi Chí Hoàng cho biết thêm: Ngoài ra, ở nước ngoài còn phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ Bình Định, đặc biệt tại con tàu đắm tại Philipines đã phát hiện một số lượng rất lớn về gốm sứ trong đó có gốm cổ Bình Định, Đại Việt…
“Nhiều công trình nghiên cứu từ thập niên 90 đến nay có nhiều yếu tố Việt trong thuật chế tác gốm cổ Bình Định. Những người Việt từ thế kỷ XIII-XV đã vào đây cùng với người Champa làm ra những sản phẩm gốm sứ trên”, ông Hoàng cho hay.
PGS-TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Mục tiêu đặt ra tại hội thảo là các gia trị chiều sâu về trung tâm gốm Bình Định – Vương triều Vijaya. Trước những phát hiện từ quá trình nghiên cứu chứng minh rằng, gốm cổ Bình Định không những sản xuất ra để phục vụ cho thị trường trong nước mà đã được đưa đi các thị trường quốc tế. Qua con đường nghiên cứu về gốm sứ ở trên biển, gốm cổ tại Bình Định đã cùng với Đại Việt, Thái Lan đi đến các nước trên thế giới phần lớn các nước hồi giáo Indonesia, Philippines, Ai Cập… ở thế kỷ XV.”
Những nghiên cứu trên góp phần làm phong phú trong văn hóa cổ Champa ở Bình Định không chỉ có tháp cổ, tượng Champa cổ… Người dân Bình Định có thể tự hào hơn vì họ đang sống trong 1 cái dòng di sản cổ và họ cần phải trân trọng lưu giữ, bảo tồn, phát huy hơn nữa để nó trở thành tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch trong tương lai...
Trước đó, vào ngày 27-10, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả đã được ban tổ chức giới thiệu đến các di chỉ gốm cổ, tháp Chapmpa cổ tại Bình Định, điển hình như di chỉ gốm Gò Sành, gò Cây Me, Tháp Dương Long, Trường Cửu…