Tìm kiếm tài năng thiết kế vi mạch

Đến nay, cuộc thi “Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1-2023” đã nhận được tổng cộng 29 dự án, gồm các giải pháp, ý tưởng thiết kế phục vụ cho ngành vi mạch. Trong đó, có 17 dự án được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, lọt vào vòng đào tạo tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Theo TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý SHTP , vừa qua, tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 7-8-2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Do vậy, việc phát động các chương trình để tìm kiếm, khai phá năng lực về vi mạch của thế hệ trẻ là hoạt động tiền đề quan trọng của SHTP.

Cuộc thi do Ban quản lý SHTP phát động vào cuối tháng 11-2023 nhằm khơi dậy niềm đam mê về hoạt động thiết kế vi mạch, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo nghiên cứu khoa học - công nghệ trong cộng đồng trí thức trẻ trên khắp cả nước. Sau 3 tháng triển khai, ban tổ chức đã nhận được 29 dự án của 39 tác giả, nhóm tác giả đến từ các viện, trường khu vực TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Các dự án là những giải pháp, ý tưởng thiết kế vi mạch phục vụ cho lĩnh vực sử dụng vi mạch bán dẫn, nhằm giải quyết các bài toán trong bối cảnh thành phố đang tập trung đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh.

Ban quản lý SHTP đã chọn 17 dự án bước tiếp vào vòng đào tạo, một số dự án tiêu biểu như: tối ưu hóa kiến trúc DPWM; vi điều khiển cho IoT đảm bảo tính bảo mật; thiết kế chip tích hợp lõi AI ứng dụng xây dựng thành phố thông minh… Để hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn, những dự án này được tham gia khóa đào tạo, hướng dẫn bởi các chuyên gia, giảng viên, kỹ sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực vi mạch tại SHTP. Ngoài ra, tác giả dự án còn được tham gia khóa huấn luyện về chuyên môn thiết kế vi mạch, phương pháp sử dụng các công cụ hỗ trợ và thực hành trên các licence, học tập cùng các mentor.

“Đây sẽ là cuộc thi được tổ chức thường niên. Hy vọng, thông qua cuộc thi sẽ tìm thêm nhiều ý tưởng, nguồn nhân lực chất lượng để hiện thực hóa mục tiêu SHTP là trung tâm kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo của cả nước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, TS Lê Quốc Cường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục