Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm song nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ vẫn tiếp tục trông ngóng tìm được hài cốt con em mình. Nỗi đau còn khắc khoải. Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2016), phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM về vấn đề này. Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết:
Sở LĐTB-XH TPHCM đang quản lý trên 49.000 hồ sơ liệt sĩ. Để nắm chính xác số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được thông tin, hiện Bộ LĐTB-XH đã có kế hoạch điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Hiện nay, 7 nghĩa trang ở TPHCM có trên 27.000 mộ liệt sĩ; trong đó số mộ thiếu thông tin, danh tính khoảng 20%.
Thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
* Các gia đình có con em hy sinh chưa tìm thấy mộ bao năm qua luôn mang một nỗi đau kép. Tại sao việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ lại kéo dài như thế?
* Ông HUỲNH THANH KHIẾT: Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn TPHCM, thời gian qua, Sở LĐTB-XH đã phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các ban, ngành, địa phương có liên quan tiến hành khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, tiếp nhận quy tập hài cốt liệt sĩ từ các địa phương khác chuyển đến.
Dù chúng ta đã nỗ lực nhưng cũng phải thừa nhận rằng, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bị kéo dài. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi mà công việc này vẫn chưa xong. Đến nay, nhiều gia đình vẫn còn mong ngóng tin tức về mộ phần của con em. Chúng ta hết sức chia sẻ với niềm đau đó. Việc tìm kiếm, quy tập kéo dài do thời gian kết thúc chiến tranh đã quá lâu, nhiều đơn vị và phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh đã giải thể, thay đổi. Trong khi đó, công tác lưu trữ hồ sơ, số liệu, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí… của một số đơn vị, địa phương trước đây ghi không đầy đủ, bị thất lạc. Còn địa hình, địa vật thuộc các vùng căn cứ kháng chiến cũ, các khu vực xảy ra chiến tranh hiện nay đã thay đổi do điều kiện khách quan về phát triển kinh tế - xã hội. Các nhân chứng lịch sử còn rất ít, phần đông tuổi cao, sức khỏe yếu không thể trực tiếp cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ…
* Nhiều gia đình vẫn tiếp tục hành trình tìm mộ con em mình và không ít gia đình tìm đến các nhà ngoại cảm. Ông thấy cách làm này ra sao?
* Điều 56 Nghị định số 31/2013 của Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là Bộ Quốc phòng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ hoặc khả năng còn hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm thông báo với cơ quan quân sự địa phương để tổ chức khảo sát và kết luận. Ngành LĐTB-XH sẽ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Các bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Theo quy định, việc ghi tên liệt sĩ trên bia mộ chưa xác định được tên chỉ được thực hiện khi đơn vị hoặc đồng đội cùng trực tiếp chiến đấu với liệt sĩ xác định và có xác nhận của đơn vị nơi liệt sĩ trước khi hy sinh công nhận hoặc kết quả giám định ADN. Đồng thời, không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm. Như vậy, nếu hài cốt liệt sĩ không được xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp khoa học sẽ không được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
* Ông có lời chia sẻ, nhắn nhủ gì với các gia đình chưa tìm được mộ con em mình?
* TPHCM đang triển khai các giải pháp trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như tuyên truyền vận động các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cùng tham gia phong trào “Đi tìm đồng đội”. TP kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền rộng rãi thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, bản tin kết hợp với các hình thức tuyên truyền miệng thông qua tiếp xúc với nhân dân để các tầng lớp nhân dân tham gia cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ đến các cơ quan chức năng để có kế hoạch quy tập hài cốt.
Sau khi hoàn thành kế hoạch của Bộ LĐTB-XH về điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, dự kiến bộ sẽ tiếp tục xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN để thông tin đến gia đình liệt sĩ.
Các gia đình thân nhân liệt sĩ có thể liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, thành hoặc Bộ Tư lệnh các quân khu để được cung cấp thông tin và tư vấn trong công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu của các đơn vị trong chiến tranh, thân nhân có thể gửi thư kèm các thông tin của liệt sĩ đến các sở LĐTB-XH yêu cầu kiểm tra và trả lời thông tin về mộ liệt sĩ mà gia đình đang tìm. Chúng tôi rất chia sẻ với niềm khắc khoải của các gia đình. Đó cũng là nỗi khắc khoải chung của chúng ta về những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thủ tục xin giám định ADN hài cốt liệt sĩ Về việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để thực hiện giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Cục Người có công - Bộ LĐTB-XH đã có hướng dẫn cụ thể đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin, nay có thân nhân liệt sĩ nhận và đề nghị giám định ADN. Theo đó, thân nhân liệt sĩ làm đơn gửi sở LĐTB-XH (địa phương nơi có mộ) kèm theo giấy giới thiệu của sở LĐTB-XH hoặc chính quyền địa phương nơi thân nhân liệt sĩ đang cư trú và một trong các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sĩ hy sinh hoặc nơi an táng liệt sĩ như: giấy báo tử, giấy báo tử trận, sơ đồ mộ chí, giấy xác nhận của cơ quan quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận nơi liệt sĩ hy sinh; giấy xác nhận của đồng đội liệt sĩ có chứng nhận của chính quyền địa phương và các thông tin trong hồ sơ liệt sĩ. |
MẠNH HÒA (thực hiện)