Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ: Thời gian không chờ đợi

Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ: Thời gian không chờ đợi

“Thời gian không chờ chúng ta! Càng để lâu, hài cốt liệt sĩ sẽ bị thời gian và không gian hủy hoại”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, cảm thán như vậy khi biết TPHCM còn 724 mộ vọng (không có hài cốt) và hơn 3.600 mộ liệt sĩ chưa biết thông tin. Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, TPHCM cần phát động đợt cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ. Từ đó, các cơ quan, đơn vị có các bước vào cuộc tiếp theo: thẩm tra hồ sơ, khảo sát, quy tập.

Khai quật tìm kiếm hài cốt 11 liệt sĩ hy sinh tại địa đạo ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi. Ảnh: T.L

Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, trong tổng số hơn 26.000 mộ liệt sĩ ở 7 nghĩa trang TP, còn hơn 6.400 mộ biết một phần thông tin, 3.664 mộ chưa biết thông tin và 724  mộ vọng. 2 năm qua, số lượng hài cốt liệt sĩ được quy tập cũng rất ít ỏi. TP đã tìm kiếm, quy tập và di dời được 49 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có 34 bộ hài cốt biết tên, biết thân nhân liệt sĩ; 5 bộ hài cốt dự kiến xác định được danh tính liệt sĩ và còn đến 10 bộ hài cốt chưa biết tên cụ thể.

Các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng hiện nay, việc triển khai thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở một số địa phương còn chậm. Theo Bộ Tư lệnh TPHCM, ngoài các quận, huyện làm rất tích cực như quận 2, 11, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… có quận, huyện như quận 8 và một số quận trung tâm, 2 năm qua không thống kê, báo cáo được thông tin về mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác trong và ngoài địa bàn. Có quận, huyện văn bản triển khai cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ còn nằm ở cấp quận, huyện, chứ chưa triển khai tới phường, xã, thị trấn và cơ sở.

Vì sao số lượng lớn mộ liệt sĩ đến nay vẫn chưa có đủ thông tin, chưa xác định được đã quy tập ở địa điểm, khu vực nào, phiên hiệu đơn vị của liệt sĩ khi chiến đấu và hy sinh? Đại tá Trần Vinh Ngọc giải thích, hơn 40 năm qua, TPHCM phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, địa hình ở các địa phương đã thay đổi nhiều. Mặt khác, một số đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trực tiếp chiến đấu trên địa bàn TP hiện nay đã giải thể hoặc sáp nhập, danh sách quản lý liệt sĩ của đơn vị bị thất lạc, cập nhật không đầy đủ, sơ đồ đánh dấu khu vực chôn cất liệt sĩ ban đầu khi hy sinh so với địa hình hiện nay đã thay đổi, không xác định được vị trí chính xác. Trong khi đó, số nhân chứng là cựu binh và người dân trực tiếp chôn cất liệt sĩ ban đầu, đến nay còn rất ít. Vì vậy, còn hiện tượng tự phát của cá nhân như tự đi xác minh, tự tìm kiếm không báo cho các cơ quan, đơn vị chức năng biết.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, phải làm tốt việc giám định ADN với các mẫu sinh phẩm mới cũng như mẫu sinh phẩm ở các mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin để xác định danh tính của liệt sĩ. Năm 2017 và các năm tiếp theo, TPHCM tiếp tục phát động phong trào “Đi tìm đồng đội”, vận động người dân cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ. Đặc biệt, UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ, Hội Hữu nghị và Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tiếp tục ngoại giao, vận động các tổ chức, cá nhân, các kiều bào, các cựu binh nước ngoài từng tham chiến ở Việt Nam hợp tác và phối hợp cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ hy sinh giúp TP có cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu và có kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

 Trong 14 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy tại khuôn viên Ban Hậu cần Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 vào năm 2015 và đã tổ chức lễ truy điệu và an táng tạm thời tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi vào tháng 6-2016, UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM tiếp tục đề xuất Cục Người có công, Bộ LĐTB-XH chỉ đạo để lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, thông báo cho thân nhân liệt sĩ biết trong thời gian sớm nhất.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục