Song lần này mong muốn ấy được đẩy lên cao hơn, quyết liệt hơn, thay vì mời các nhà làm phim về Việt Nam thì sẽ “đưa” Hạ Long, Hội An, Ninh Bình… của Việt Nam tới Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới.
Chủ nhân của ý tưởng này, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm Sơn Đoòng (Quảng Bình), cho biết, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại Hollywood sẽ bao gồm các hoạt động như: triển lãm về điện ảnh, du lịch Việt Nam; giới thiệu tiềm năng bối cảnh và chính sách của Việt Nam đối với hoạt động điện ảnh quốc tế… Để ý tưởng thực tế hơn, doanh nghiệp này đã kết nối với nhà tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài nhằm mời nhà làm phim Peter Pan, đại diện các nhà sản xuất, các hãng phim lớn, trong đó có nhà sản xuất bộ phim nổi tiếng Chúa tể của những chiếc nhẫn… cùng đồng hành. Kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới những năm qua cho thấy, việc quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là việc làm thu được nhiều kết quả tích cực.
Ở nhiều nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật Bản… nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Một số ví dụ tiêu biểu trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh có thể kể đến năm 2010, tour Phép thuật của Harry Potter đã giúp Universal Studios ở Orlando tăng gần 6 triệu du khách; tour King Kong 3-D giúp Hollywood tăng 26% lượng khách với hơn 5 triệu du khách...
Tại Việt Nam đã có những tác động của điện ảnh đối với sự lựa chọn điểm đến của du khách như phim Nhà của Pao hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khiến vùng đất Hà Giang, Phú Yên bỗng nổi lên như một điểm đến đầy quyến rũ vào thời điểm đó. Gần đây, phim A Tourist’s Guide to love - Hành trình tình yêu của khách du lịch của Netflix được quay theo tiêu chuẩn Hollywood, đã tạo nên cơn sốt, góp phần kích cầu du lịch tại 6 địa điểm chính: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang. Không quá khi có nhiều chuyên gia nhận định du lịch “hốt bạc” nhờ điện ảnh truyền cảm hứng!
Từ một số ví dụ nêu trên cho thấy, việc tận dụng sức ảnh hưởng của điện ảnh đã góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ, làm phong phú thêm sự lựa chọn của du khách; đồng thời thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm tối ưu hóa việc tận dụng nguồn lực sẵn có trong hành trình phát triển, tiến tới xây dựng công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển du lịch. Với mong muốn chắp mối, tạo ra “lương duyên” giữa điện ảnh và du lịch, nhiều tọa đàm, hội thảo cũng đưa vấn đề này ra bàn thảo, xuất hiện nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo sức hấp dẫn cạnh tranh với các nước trong khu vực về thủ tục hay ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ chi phí lưu trú, vé vào danh lam thắng cảnh; thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp…
Song, có lẽ bàn chưa tới hoặc do “bà mối” chưa đủ mát tay nên điện ảnh và du lịch vẫn dừng ở những cái bắt tay giao thiệp mà chưa thể hiện thực hóa được điều mà nhiều người chờ đợi. Ví như phim trường của Đào, Phở và Piano từng được nhận định là có một không hai khi tái hiện chiến lũy Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa trên một con phố dài tới 100m, lãng mạn và đầy ấn tượng… song phim kết thúc thì cảnh cũng bị tháo dỡ. Ngay thời điểm phim đang quay, các diễn viên Trần Lực, Trung Hiếu… và nhiều người có mặt ở phim trường đã lên tiếng kêu gọi giữ bối cảnh chân thực ấy lại để khai thác du lịch nhưng mặt bằng là đoàn phim đi thuê, nên đành ngậm ngùi.
Khi phim Đào, Phở và Piano bùng nổ, trở thành một hiện tượng của phòng vé thì chẳng còn chút dấu ấn thực địa nào để có thể khai thác. Hay như liên hoan phim, chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ “ngôi sao” trong nước và quốc tế... nếu có sự chung tay của địa phương, doanh nghiệp… thì đó không chỉ đơn thuần là sự kiện văn hóa mà còn là cơ hội “vàng” để quảng bá hình ảnh điểm đến, xúc tiến thương mại, du lịch.
Tất nhiên, không phải bộ phim nào làm ra cũng đảm bảo “hot” và đạt được mục tiêu như mong muốn, bởi chỉ khi điện ảnh và du lịch cùng đạt tới “điểm chạm”, hội tụ đủ yếu tố tài năng, thiên thời, địa lợi… và một trong những yếu tố không thể thiếu là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… mới có thể tạo ra được sức mạnh bùng nổ. Vẫn biết từ ý tưởng đến thực tế sẽ có nhiều dung sai, song nếu chỉ đề xuất mà không quyết liệt bắt tay vào thực hiện thì chẳng bao giờ có thể có thành tựu nào, dù là nhỏ nhất.