Tác phẩm là những chiêm nghiệm về tình yêu, gia đình, cuộc sống hay những chuyến đi của tác giả. Đọc tác phẩm của Khoa, cảm giác như đang có một bạn hữu bên cạnh, cùng tâm sự và sẻ chia bao nhiêu tâm tư, nỗi niềm mà chưa biết tỏ bày cùng ai.
Anh thể hiện điều đó qua thể loại tản văn, dành phần lớn dung lượng cuốn sách để viết về tình yêu. Có lẽ, Nguyễn Đinh Khoa cũng hiểu rằng, đây chính là mối quan tâm không thể thiếu ở những người trẻ. Thông qua các bài viết Người thứ ba, Thôi cứ làm người say, Tháng Ba vơi đi cái nắm tay, Xin giữ tim ngọt ngào… Khoa rủ rỉ kể câu chuyện của mình, cho dù tình yêu đó không có một cái kết trọn vẹn, nhưng không vì thế mà bi lụy.
Nguyễn Đinh Khoa giúp người đọc tiếp tục tin vào tình yêu nhưng theo một chiều hướng khác. Và bởi vì, tình yêu cũng giống như trồng một cái cây, cần được hai người “quan tâm, nuôi dưỡng bằng tình thương, sự thấu hiểu và bằng sự quan tâm tận tụy được tích góp mỗi ngày, che chở nó qua những trận nắng gắt và qua những cơn mưa rào” (Trồng cây).
Những bài viết về gia đình cũng mang đến sự xúc động nhất định. Những bài viết của Khoa giống như liều thuốc tinh thần, để những người đọc hiểu rằng, bất kể là trải qua biến cố gì, chúng cũng đều có ý nghĩa trong cuộc đời này.
Có một điểm chung ở các bài viết của Nguyễn Đinh Khoa chính là tinh thần Phật pháp được gửi gắm một cách nhẹ nhàng. Tất cả đều hướng đến những điều tốt đẹp, tìm thấy sự bình an trong cuộc sống có nhiều bất trắc, xô bồ, như cách mà anh gửi gắm khi khép lại cuốn sách của mình: “Con người ai sống mà không mong tâm bình an. Hễ cái tâm an thì sóng gió cũng an, chuyện đời bình thường cũng an. Vậy nên, cho dù đời đầy sóng gió, hay chẳng có sóng gió thì cũng do cái tâm của mình có khơi nó lên hay không”.