Tìm kế sách phát triển phía Tây TPHCM: Bắt đầu từ các trục giao thông

Theo quy hoạch xây dựng và giao thông, hiện nay có 3 trục giao thông chính từ trung tâm thành phố lên huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, đó là tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuyến metro số 2 kéo dài và tuyến đường dọc sông Sài Gòn lên Củ Chi. Ngoài ra, còn có đường Vành đai 3 đi qua địa bàn Củ Chi… 

Như vậy, TPHCM cần nhanh chóng hình thành các đầu mối giao thông kết nối các tuyến đường này với các đường nội bộ khác, để từ đó xác định khu vực có thể khai thác quỹ đất, tạo vốn đầu tư cho vùng đất này. 

Tìm kế sách phát triển phía Tây TPHCM: Bắt đầu từ các trục giao thông ảnh 1 Cửa ngõ An Sương với cầu vượt và hầm chui đã được xây dựng chỉn chu để phát triển Hóc Môn và Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

LTS: TPHCM đang chuẩn bị tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. Đây là quyết định nhận được nhiều ủng hộ của các chuyên gia và người dân, bởi 2 địa bàn này có rất nhiều tiềm năng phát triển. Với thế đất cao, diện tích rộng, nền địa chất tốt…, đây là nơi lý tưởng cho phát triển đô thị trong bối cảnh TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhưng để hướng phát triển lên phía Tây - Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn) trở thành một trong những hướng phát triển chính của TPHCM, còn rất nhiều đầu việc mà thành phố phải tính toán kỹ, nhất là khâu quy hoạch thật sự khoa học, có tầm nhìn xa.

Nút thắt hạ tầng

Tỉnh lộ 9 - một trong những con đường chính đi qua địa bàn xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), có nhiều đoạn vừa hẹp vừa xuống cấp. Do không có sự lựa chọn khác, nhiều xe tải, container vẫn phải đi liên tục - điều này đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân khi lưu thông qua đây. Sống nhiều năm tại khu vực xã Bình Mỹ, bà Nguyễn Thị Nga (65 tuổi) cho hay, mỗi năm vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, bà chứng kiến cảnh kẹt xe không lối thoát trên tỉnh lộ 9, hướng từ huyện Củ Chi về TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tình trạng này càng ngày càng tệ vì theo thời gian đường càng xuống cấp. “Tôi và bà con sống gần tỉnh lộ 9 thấy rằng, muốn khắc phục kẹt xe, hạn chế tai nạn giao thông trên đường thì thành phố phải nhanh chóng mở rộng, thêm làn đường, đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường xung quanh”, bà Nga nói.

Nhìn chung trên toàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, hạ tầng kỹ thuật nói chung và giao thông nói riêng kém phát triển khá xa so với nhiều quận, huyện khác của TPHCM. Trục đường chính hiện nay cơ bản chỉ có quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... cũng giống tỉnh lộ 9, đã quá tải và kém an toàn. Do toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực này chủ yếu là đường nông thôn, nhỏ, hẹp, ngoằn ngoèo, lạc hậu so với nhu cầu nên dù từ trung tâm thành phố đến trung tâm huyện Củ Chi chỉ khoảng 30km, nhưng di chuyển mất từ 45-60 phút. Điểm nghẽn giao thông lớn nhất là nút giao An Sương, sau gần 20 năm mới cơ bản được tháo gỡ. Tại đây ngoài cầu vượt, TPHCM đã xây thêm cầu chui, làm nút giao đảo tròn trung tâm trên mặt đất để hình thành nút giao thông 3 tầng, giải bài toán ách tắc giao thông ở đây.

"Việc đầu tư cho Củ Chi không chỉ là đầu tư cho huyện mà còn là đầu tư cho sự phát triển của TPHCM. Công tác quy hoạch cần được thực hiện thận trọng, tính toán kỹ những nội dung trước mắt, hiện tại và lâu dài. Cùng với đó là xây dựng một vành đai với những mảng xanh phải xanh hơn những nơi khác", Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
(Phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi ngày 20-11-2020)

Lý do lớn nhất khiến huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn là “vùng trũng” về đầu tư hạ tầng giao thông của TPHCM do khu vực này được xác định là hướng phát triển đô thị phụ của thành phố theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Chính phủ phê duyệt năm 2010. Nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM trong thời gian qua vốn đã thiếu và khi thu xếp được lại tập trung cho các hướng phát triển đô thị chính là hướng Đông và Nam (TP Thủ Đức và Nam Sài Gòn). Thế mới có chuyện, giai đoạn 1 của dự án đầu tư nút giao thông An Sương hoàn thành năm 2002, nhưng đến năm 2020 mới làm xong giai đoạn 2, mà kinh phí giai đoạn 2 chỉ hơn 500 tỷ đồng.

Tạo vốn từ quy hoạch tốt

Không chỉ có lợi thế về địa hình cao, địa chất tốt mà huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn còn có quỹ đất rất lớn. Diện tích của toàn bộ 16 quận và TP Thủ Đức cộng lại mới bằng hơn 90% diện tích đất 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi. Theo các chuyên gia, đây là tiềm lực rất lớn của 2 địa phương này. Nếu được quy hoạch hợp lý, quỹ đất rộng lớn này sẽ là “mỏ vàng” để TPHCM khai thác, tạo vốn đầu tư chính cho huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.

Tìm kế sách phát triển phía Tây TPHCM: Bắt đầu từ các trục giao thông ảnh 2 Đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) đi qua huyện Hóc Môn đã khang trang hơn, sau khi được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Đơn cử, nhìn trên bản đồ, tuyến tỉnh lộ 8 hiện nay và trong tương lai sẽ là một trong những tuyến trục chính của huyện Củ Chi, nối từ Khu công nghiệp Đông Nam (nằm kề sông Sài Gòn, giáp cầu Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) ra Khu công nghiệp Tây Bắc (nằm kề thị trấn Củ Chi). Từ thị trấn Củ Chi, tỉnh lộ 8 còn kéo dài sang Cụm công nghiệp Đức Hòa - Đức Huệ của tỉnh Long An, hoặc từ tuyến đường này rẽ vào quốc lộ 22 lên Cụm công nghiệp Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu được nâng cấp, mở rộng, tỉnh lộ 8 sẽ không chỉ thành tuyến trục để phát triển huyện Củ Chi mà còn hình thành nên tuyến đường liên vùng, kết nối 4 địa phương TPHCM - Bình Dương - Long An - Tây Ninh. Như vậy, đất đai dọc tuyến đường này sẽ là “kho bạc”, tạo vốn cho sự phát triển của khu vực quanh đó.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Hóc Môn, đường Đặng Thúc Vịnh (còn gọi là tỉnh lộ 9, một trục đường nhánh giao với quốc lộ 22) đang được cấp tập thi công những công đoạn cuối, để tổ chức khánh thành vào dịp 30-4 tới. Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh triển khai từ năm 2018, với vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Công trình thực hiện trên chiều dài hơn 5km, mở rộng đường từ 7-8m lên 30m. Đến cuối tháng 3 này, hầu hết cung đường đã được trải nhựa, lát đá vỉa hè, giúp người dân đi lại thuận tiện. Cung đường là một trong những trục kết nối TPHCM qua Bình Dương, Long An. Dù chưa thực sự hoàn tất, nhưng các khu dân cư xung quanh đang “thay da, đổi thịt” hàng ngày. Việc buôn bán, kinh doanh tấp nập hơn. Nguồn thu từ các hoạt động này đang đóng góp ngày một nhiều cho huyện Hóc Môn. 

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - chủ đầu tư công trình, cho biết, việc đầu tư hoàn chỉnh các tuyến tỉnh lộ phía Tây Bắc thành phố đang từng bước được tiến hành. Và hiệu quả nhận thấy từng ngày, đó là nâng cao năng lực giao thông, vận tải, góp phần cải tạo bộ mặt của địa phương và giúp phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Điểm nhấn ở đường huyết mạch


Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM, thành phố cần rà soát quỹ đất phát triển gần các đầu mối giao thông của các trục giao thông chính. Từ đó, chủ động quản lý và tính toán khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai quanh đầu mối này để có giải pháp quy hoạch và đấu giá đất phát triển đô thị hợp lý. Song song với việc này, cần lồng ghép chiến lược quản lý thông qua tích hợp những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang triển khai vào chiến lược phát triển chung có phân kỳ và đồng bộ. Một ví dụ, khi triển khai tuyến đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi nối trung tâm thành phố, cần lồng ghép trong bức tranh đầu tư và khai thác vai trò của trung tâm dịch vụ Tây Bắc, với nguồn lực đất đai và tài nguyên đất ven sông. Đây là cơ sở để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị, bằng cơ chế hợp tác công tư, trong điều kiện nguồn lực công hạn chế.

Tuyến đường ven sông Sài Gòn, theo thiết kế ban đầu được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TPHCM vào năm 2017 có chiều dài gần 64km. Tuyến đại lộ này được nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1). Dự án đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 12. Đây là khu vực ngoại thành, chủ yếu đất nông nghiệp và đất bồi ven sông, thưa thớt nhà dân nên việc khai thác quỹ tương đối thuận lợi. Tập đoàn Tuần Châu đã ước tính có thể khai thác được khoảng 15.000ha đất hoang hóa xung quanh khu vực này và hình thành các khu đô thị hiện đại trong tương lai. Với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cũng có thể tính toán khai thác quỹ đất tương tự.

Tin cùng chuyên mục