Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sông Mê Công đổ ra biển, tạo thành một vùng châu thổ trù phú, là nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Qua hàng ngàn năm bồi đắp, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa, vựa tôm cá, trái cây, cung cấp sinh kế không chỉ cho người dân khu vực mà khắp cả nước và xuất khẩu hàng hóa nông sản nhiều nơi trên thế giới.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt liên quan đến việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước đang dẫn tới những biến đổi và tác động chưa thể lường hết được đối với dòng Mê Công và khả năng duy trì sinh kế, phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư dọc theo con sông này. Thực tế này đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, với những biểu hiện và tác động cực đoan về hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún.
Theo Bộ TN-MT, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của BĐKH dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.
Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra, tháng 7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hà Lan và một trong những mục tiêu lớn của chuyến thăm này là tìm hiểu kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Hà Lan trong BĐKH.
Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký Ý định thư ngày 10-7-2017, khẳng định chủ trương hợp tác giữa hai Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL. Đây là bước chiến lược tiếp theo trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan nhằm thực hiện các Thỏa thuận đối tác chiến lược đã ký giữa hai Chính phủ về thích ứng với BĐKH và quản lý nước và về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Từ chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ TN-MT xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để xác định các giải pháp chuyển đổi có quy mô lớn mang tính định hình chiến lược, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với BĐKH.
Thông qua hội nghị, Chính phủ sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động sáng kiến, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội, nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê Công. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Kế hoạch ĐBSCL, tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 đã được các chuyên gia Hà Lan cùng các nhà khoa học trong nước khuyến nghị Chính phủ xem xét qua 4 kịch bản phát triển và khuyến nghị mô hình công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp.
Bên cạnh những giải pháp then chốt về ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý, cần tập trung ba vấn đề mang tính xương sống của nông nghiệp hiện nay.
Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường.
Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao; Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Theo Bộ TN-MT, trên cơ sở các kết quả thảo luận tại hội nghị lần này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để hiện thực hóa các quyết sách đó. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.