Tìm hướng ra cho người trồng tiêu

Nông dân các tỉnh Đông Nam bộ đang bước vào cao điểm thu hoạch tiêu niên vụ 2020-2021. Giá tiêu ở mức thấp, sản lượng sụt giảm, trong khi giá nhân công thu hoạch cao đang khiến những người trồng tiêu gặp không ít khó khăn. Đã đến lúc phải có phương án giảm diện tích, chuyển đổi cây trồng và bổ sung các công nghệ.
Tham gia vào HTX và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu là hướng đi phát triển bền vững cây tiêu Đồng Nai. Ảnh: TIẾN MINH
Tham gia vào HTX và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu là hướng đi phát triển bền vững cây tiêu Đồng Nai. Ảnh: TIẾN MINH

Giá nhân công cao, giá tiêu thấp

Mặc dù đang vào mùa thu hoạch, tiêu đã đến độ chín rộ rụng đầy gốc, nhưng do giá tiêu ở mức thấp, chi phí nhân công tăng nên nhiều nhà vườn ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đỏ mắt tìm người thu hoạch. Xã Quảng Thành có thời điểm có đến 90% người dân sinh sống nhờ cây tiêu. Ông Phạm Văn Hai cho biết, hơn 5 năm trước, gia đình ông có hơn 2ha trồng tiêu, sau khi thu hoạch và trừ các chi phí thì lời vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, giá tiêu đang lao dốc, gia đình ông đã giảm dần diện tích xuống chỉ còn khoảng 1/3 và việc chăm bón cũng chỉ dừng ở mức cầm chừng, nhưng đến mùa thu hoạch, dù chạy đôn chạy đáo khắp nơi cũng chỉ kiếm được chưa đến chục nhân công hái tiêu với giá thuê 240.000 đồng/ngày. 

Cũng trong tình cảnh tương tự, sau tết, gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn (ngụ tại xã Bình Giã) cũng chạy nhốn nháo khắp nơi tìm người thu hoạch 4 sào tiêu chín đỏ trên cây. Do cắt giảm chi phí chăm bón, sản lượng tiêu chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/sào nhưng nếu không thu hoạch thì năm sau sản lượng sẽ càng thấp và thậm chí là mất mùa. Vì vậy, dù giá nhân công cao nhưng nhiều gia đình vẫn phải tìm người thu hoạch để duy trì vườn tiêu và với giá từ 51.000-53.000 đồng/kg như hiện nay thì người trồng tiêu khó có lời. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, 2 năm trở lại đây, từ một địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện Châu Đức với khoảng 890ha thì nay chỉ còn khoảng 500ha. Phần vì cây tiêu già cỗi, người dân chặt bỏ trụ, phần khác thì chuyển sang các loại cây ăn trái như mít Thái, sầu riêng hoặc cây công nghiệp như ca cao, điều. Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 11.000ha tiêu, năng suất hầu hết các vườn đều giảm trên 50% so với năm trước.

Tại Đồng Nai, huyện Cẩm Mỹ được xem là “thủ phủ” trồng tiêu với diện tích gần 7.000ha cũng đang trong tình trạng tương tự. Đang cao điểm thu hoạch tiêu nhưng ở vùng quê này không nhộn nhịp như những mùa trước. Nhiều người đã chặt bỏ vườn tiêu để chuyển đổi sang các loại cây trồng như mít, bưởi... Tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cách đây 2 năm có diện tích trồng tiêu hơn 2.200ha, nhưng đến vụ tiêu này chỉ còn 1.500ha. Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, cho biết, năng suất tiêu năm nay sụt giảm. Những năm gần đây, giá tiêu liên tục lao dốc, hiện đã xuống chạm đáy nên nhiều người trồng tiêu chán nản không muốn đầu tư chăm sóc. Hiện giá tiêu thu mua trên địa bàn xã Lâm San khoảng 52.000-54.000 đồng/kg, với giá này thì người nông dân trồng tiêu đang chịu lỗ 25.000-30.000 đồng/kg tiêu so với giá thành sản xuất. Giá thuê nhân công thu hoạch tiêu vào khoảng 230.000-240.000 đồng/ngày nhưng không có người. Trước thực trạng này, nhiều người trồng tiêu đã mua lưới, bạt về giăng dưới đất để tiêu tự rụng rồi thu gom dần. 

Xây dựng chuỗi sản xuất tiêu chuẩn VietGAP 

Ông Trương Đình Bá cho biết, khó khăn là vậy nhưng hiện cũng có nhiều nông dân vẫn gắn bó với cây tiêu. Họ đã thay đổi thói quen sản xuất, không còn chạy theo năng suất mà chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ để tăng chất lượng sản phẩm và đặc biệt là cùng liên kết tham gia vào HTX Lâm San xuất khẩu. Do vậy, năm nay mặc dù đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng đối với cuộc sống những hộ trồng tiêu tham gia HTX sản xuất tiêu sạch xã Lâm San vẫn ổn định. Toàn bộ sản phẩm tiêu làm ra đều được HTX thu mua hết với giá cao hơn hoặc bằng với thị trường. 

Không chỉ đảm bảo đầu ra, cuối vụ, những hộ tham gia HTX còn được thưởng thêm 4.000 đồng/kg tiêu đã bán. Theo ông Bá, đây thực sự là một mô hình tốt mà tỉnh cần đầu tư duy trì và mở rộng. Chưa dừng lại ở đó, hiện ông Bá đang tham gia câu lạc bộ sản xuất tiêu hữu cơ để nâng cao chất lượng tiêu, nhắm đến mục tiêu thị trường xuất khẩu khó tính. Mặc dù mô hình trồng tiêu hữu cơ đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng bước đầu đã có những tín hiệu rất khả quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, hiện tỉnh có diện tích hồ tiêu khá lớn (12.000ha), thuộc nhóm cây trồng chủ lực. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ người trồng tiêu xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu, đồng thời các địa phương, sở ngành cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp người dân vượt qua khó khăn và góp phần phát triển cây tiêu bền vững.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với giống tiêu không hạt được trồng theo hướng hữu cơ, Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đã xuất khẩu hàng chục tấn tiêu sơ chế với giá 22 triệu đồng/kg. Ngoài ra, công ty còn tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu Bầu Mây như: tiêu tươi muối, tiêu xanh muối và tiêu một nắng tiêu thụ trong nước. Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc công ty, sản phẩm khi qua chế biến sâu có giá trị tăng lên gấp khoảng 250 lần so với không chế biến. Nhiều đối tác nước ngoài đã đến thăm vườn hồ tiêu của đơn vị và đặt hàng, trong đó một đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng mua các sản phẩm tiêu của HTX Bầu Mây trong 5 năm.

Tin cùng chuyên mục