Cơ hội vàng
Tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, gần đây, Bộ KH-ĐT thường xuyên tiếp xúc rất nhiều đơn vị liên quan chip bán dẫn. Dự báo trong vòng 6 năm tới cần bổ sung thêm 1 triệu kỹ sư bán dẫn. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam tham gia.
“Trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chọn nguồn nhân lực là yếu tố để bứt phá cạnh tranh, bởi chúng ta có thế mạnh nguồn nhân lực trẻ, chịu học hỏi. Đây cũng là con đường sẽ tốn chi phí rẻ hơn so với việc đầu tư hạ tầng, công nghệ”, ông Thịnh lý giải.
Theo bà Trần Thúy Vy, Quản lý kỹ thuật Cadence, mảng thiết kế chính là một trong những thế mạnh mà Việt Nam có thể bứt phá so với doanh nghiệp nước ngoài. Lao động Việt Nam được đánh giá trẻ, năng động, ham học hỏi, nhạy bén, nhất là có tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, để phát triển ngành bán dẫn, Nhà nước cần nhanh chóng có những chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực tài năng tham gia.
Đề cập về năng lực sinh viên tham gia ngành công nghiệp bán dẫn, theo PGS-TS Nguyễn Lê Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, sinh viên Việt Nam có kiến thức nền tảng khá tốt. Bằng chứng là các em đạt kết quả cao đối với cuộc thi quốc tế liên quan đến môn học về STEM, khoa học tự nhiên…
Chiến lược bứt phá
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, cho hay, bước vào năm 2024, Đà Nẵng tăng tốc trên hành trình tiến vào hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn với nhiều chương trình, hoạt động đón tiếp các tập đoàn hàng đầu thế giới về vi mạch, bán dẫn và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Không chỉ vậy, TP Đà Nẵng đang trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển trong thời gian tới, trong đó đề cập sửa đổi Nghị quyết 119 liên quan đến những ưu đãi, chính sách đặc thù về công nghiệp bán dẫn cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, miễn thuế, nghiên cứu phát triển, mời gọi đầu tư… Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Để giải bài toán nhân lực và việc làm, TP Đà Nẵng cũng hình thành liên minh 5 trường đại học thông qua đầu mối Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, gồm: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, Đại học FPT và Đại học Duy Tân. Mặt khác, Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài vào Đà Nẵng. Nhân lực sẽ được đào tạo theo định hướng, nhu cầu của doanh nghiệp đã, đang và sẽ đến địa phương.
“Ngoài những sự chuẩn bị dài hơi từ rất sớm, TP Đà Nẵng đang tập trung các cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, phát huy nội lực là thế hệ trẻ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn cả trong nước và nước ngoài. Khi có đủ nguồn lực, Đà Nẵng sẽ phát triển các dự án khởi nghiệp cũng như hợp tác đầu tư vào công nghệ lõi”, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, cho biết.
Dịp này, NIC và Quỹ châu Á, Công ty TNHH Giải pháp Acronics tổ chức khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6-2024. Học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối các ngành liên quan đến bán dẫn của các trường đại học đào tạo về khoa học kỹ thuật trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.