Tìm hướng nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch
SGGPO
Sáng 26 - 10, tại TP Hội An (Quảng Nam), Sở LĐTB&XH phối hợp Sở VHTT&DL tổ chức Hội thảo “Đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp du lịch”. Hội thảo có sự tham gia các trường dạy nghề và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Hội An.
Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan gồm nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cùng ngồi lại xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giao dục nghề nghiệp (đội ngũ quản lý, giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất…).
Chất lượng lao động ngành du lịch không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ lẫn khả năng giao tiếp ngoại ngữ
Báo cáo của Sở LĐTB&XH cho biết, trình độ lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65%, kể cả hình thức tự đào tạo tại các doanh nghiệp; lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS (Vietnam Tourism Occupational Skills Standards) là 5%. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt từ 40% - 60% (tùy theo ngành nghề). Trong đó khoảng 10% đáp ứng vượt kỳ vọng của công việc, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên; doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoặc các cơ sở dịch vụ, khu du lịch cao cấp.
Nhìn chung, chất lượng lao động ngành du lịch không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ lẫn khả năng giao tiếp ngoại ngữ; thiếu lao động lành nghề, khan hiếm về nhân lực cao cấp, chất lượng đào tạo tại một số trường vẫn còn nhiều bất cập giữa lý thuyết và thực tế.
Chất lượng lao động đào tạo tại một số trường vẫn còn nhiều bất cập giữa lý thuyết và thực tế
Hiện ngành du lịch Quảng Nam đang sử dụng khoảng 15.000 lao động, chủ yếu làm việc trong các công ty lữ hành, vận chuyển và cơ sở lưu trú. Trong đó, khối cơ sở lưu trú chiếm khoảng 70%; lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); khối các dịch vụ khác (20%).
Dự kiến, đến năm 2020 khoảng 24.600 lao động du lịch các lĩnh vực cần được đào tạo.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 14 cơ sở có đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp liên quan đến đào tạo ngành nghề du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên quy mô đăng ký tuyển sinh đào tạo ngành nghề du lịch, dịch vụ chỉ có 2.500 chỉ tiêu/năm, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm khoảng 80%.