Xu hướng tăng trưởng chậm
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), sức mua trên thị trường trong nước thời gian qua có chiều hướng tăng chậm. Tính chung cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là 13-13,5%/năm. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận xét, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ tăng chậm lại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa ổn định, thu nhập của người tiêu dùng (NTD) bị ảnh hưởng và điều này đã tạo áp lực lên doanh thu của các nhà bán lẻ. “Những yếu tố trên đã và đang tạo ra xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của NTD, dẫn tới sức mua trên thị trường bán lẻ chậm lại”, ông Đức nói.
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước. Chính vì vậy, việc kích cầu cho bán lẻ sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế.
Kích cầu hiệu quả
Theo các nhà bán lẻ, hiện nhu cầu mua sắm của người dân tập trung chủ yếu vào thực phẩm thiết yếu nên việc chọn giải pháp kích cầu sao cho hiệu quả là bài toán mà doanh nghiệp phải cân nhắc. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, nhu cầu của NTD ngày càng cao và cạnh tranh bán lẻ gay gắt, đòi hỏi nhà kinh doanh liên tục cải tiến để đáp ứng những thay đổi về giá trị. Trong đó tập trung vào cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo cảm xúc. “Khách hàng thường đến chuỗi nào mua sắm là họ yên tâm chất lượng sản phẩm và môi trường mua sắm cùng nhiều giá trị. Do đó, việc nhà kinh doanh luôn sáng tạo để khách hàng có trải nghiệm vui vẻ sẽ tạo được niềm tin, sự tín nhiệm để họ quay lại. Ngoài ra, việc đưa vào nhiều sản phẩm kinh doanh độc quyền, nhãn hàng riêng… cũng là cách tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng”, ông Đức nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, việc đồng hành của chính quyền trong việc đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ rất quan trọng. Sở Công thương TPHCM cho biết, năm nay, ngoài tổ chức các chương trình như: bình ổn thị trường, bán hàng phục vụ các dịp lễ, tết; kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố; sở đã phát động chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) kéo dài 3 tháng, cho phép doanh nghiệp áp dụng giảm giá lên tới 100%. Trong thời gian này, Sở Công thương TPHCM còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” nhằm phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động, kéo dài trong 30 ngày. Dự kiến, cuối tháng 8, TPHCM tổ chức thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu để thu hút khách du lịch, khách quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Ở quy mô rộng hơn, Bộ Công thương cho biết đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thị trường như tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và định hướng tiêu dùng ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đó đã hỗ trợ hàng ngàn lượt doanh nghiệp và NTD gặp gỡ, mua bán, trao đổi hàng hóa bằng hình thức hội nghị trực tiếp lẫn trực tuyến.