Sự kiện có sự tham dự của các đồng chí: Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam; Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng.
Bài toán về nguồn nhân lực
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam, ngoài việc chuẩn bị hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một yếu tố quan trọng phải thực hiện từ bây giờ.
Theo ông Chung, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khoảng 1/4 lực lượng lao động ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành nghề khác bởi nhiều nhân viên du lịch cảm thấy “không có nghề nào bấp bênh và đầy tính may rủi như nghề làm du lịch, dịch vụ”. Đây là bài toán khó khăn cho những người làm quản lý du lịch khi các địa phương hết dịch và ngành du lịch dịch vụ hoạt động trở lại.
“Khó khăn trước mắt là lượng lao động quay trở lại làm việc rất ít (khoảng 30-40%), các lớp đào tạo sẽ được quay video để chia sẻ rộng rãi cho lực lượng lao động để chúng ta có một chuẩn sàn về phục vụ dịch vụ du lịch”, bà Hạnh nói.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Đà Nẵng, để chuẩn bị cho ngành du lịch trở lại, đơn vị cần biết những nhu cầu cụ thể để có thể làm việc với các đơn vị đào tạo, tổ chức lớp bồi dưỡng để lao động ngành du lịch đạt yêu cầu tuyển dụng. Không những thế, sở triển khai đổi mới phương thức tuyển dụng lao động, liên kết với các tỉnh lân cận để ngày hội việc làm ở Đà Nẵng có thể kêu gọi, thu hút nguồn lao động ở khu vực miền Trung.
“Vừa qua, chúng tôi tổ chức ngày hội việc làm tại huyện Hòa Vang nhưng đơn vị nhận thấy rất ít người lao động tham gia dự tuyển, mặc dù nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với số lượng lớn”, ông An nhìn nhận.
“Nhiều hướng dẫn viên không làm gói hỗ trợ bởi họ thấy những thủ tục tiếp cận quá khó khăn và mất thời gian đến 2 tháng để có kết quả”, ông Anh chia sẻ.
Hình thành những sản phẩm, phương thức tiếp cận mới
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận số giải pháp khôi phục và phát triển du lịch, như: các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động sau Covid-19; nâng cao chất lượng môi trường du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ hình thành sản phẩm mới…
Vừa qua, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng có đợt khảo sát về tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn. Theo đó, tính đến tháng 2-2021, tại Đà Nẵng, đã có 50,2% khách sạn, gần 39% lữ hành, 100% khu điểm du lịch, 37% doanh nghiệp vận chuyển du lịch và gần 52% tàu du lịch đã hoạt động trở lại. Chỉ có 6,6% doanh nghiệp lữ hành hoạt động bình thường. Chủ yếu khối khách sạn 4-5 sao và tương đương đã hoạt động trở lại… Về lao động, Đà Nẵng có khoảng 52.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Qua khảo sát lần thứ 2, lượng lao động ngừng việc, thất nghiệp khoảng 45.000 lao động, các doanh nghiệp chỉ giữ lại lượng lao động chủ chốt… “Doanh thu của du lịch của Đà Nẵng trong năm 2020 đã giảm khoảng 80-90%. Khoảng 30% doanh nghiệp dự kiến sẽ hết tiền, hết vốn, hết nguồn tài chính để hoạt động đến cuối năm 2021”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng cho biết. |
Bên cạnh đó, theo bà, nhiều khách sạn vẫn chưa mở cửa nhưng việc bảo dưỡng, duy trì vẫn tiến hành thường xuyên. Chính điều đó, bà Chi kiến nghị Trung ương, TP Đà Nẵng có thể tiếp tục giãn tiền điện, chuyển tiền điện từ chi phí điện kinh doanh sang chi phí sản xuất. Chi phí điện kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng 3 tháng đầu năm 2021 rất ít khách sạn đạt được trên 15% công suất phòng. “Phòng khách vẫn duy trì điều hòa, hồ bơi duy trì để làm sạch... đặc biệt bảng hiệu của khách sạn phải luôn sáng đèn”, bà Chi nhấn mạnh.
Còn ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư DHC cho rằng, để tạo sự liên kết, môi trường an toàn, ngành du lịch Đà Nẵng liên kết cùng doanh nghiệp làm “thẻ ATM kích cầu”. Theo ông Đức, khách có thẻ này có thể giảm giá được tại nhiều khu du lịch, tùy vào mức độ kinh doanh của các khu du lịch. “Xin thành phố cho chủ trương về xe buýt thủy – bộ để đưa khách du lịch vượt sông Hàn bằng xe buýt. Hình thức này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới ”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo TP Đà Nẵng đang có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín, để chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn của thành phố. “Chúng tôi coi sông Hàn là một sản phẩm hiếm có ở địa phương mà không phải địa phương nào cũng có được. Sắp đến sẽ xây dựng đề án sông Hàn về đêm, bao gồm tổ hợp hệ thống ánh sáng. Tức là chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống ánh sáng của 6 cây cầu bắc qua sông Hàn. Làm hệ thống ánh sáng của 2 bên bờ sông, tạo ra các hoạt động ánh sáng về đêm...”, ông Quảng thông tin.
Kịch bản ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2021Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng đã dự kiến 2 kịch bản về hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố năm 2021. Cụ thể: Kịch bản 1: Thành phố duy trì tốt việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh, không để tái bùng phát dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch cả nước còn diễn biến phức tạp nên người dân và du khách còn tâm lý e ngại đi du lịch. Vaccine chưa được triển khai đầy đủ trong nước. Chính phủ đang nghiên cứu cho phép áp dụng chính sách "hộ chiếu vaccine". Kịch bản 2: 6 tháng cuối năm 2021 có đầy đủ vaccine để triển khai rộng rãi ở các nước cũng như ở Việt Nam và vaccine phát huy được hiệu quả ngay. Chính phủ cho phép khôi phục một số đường bay quốc tế. Thành phố duy trì tốt việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh, không để tái bùng phát dịch. Đà Nẵng đưa vào một số sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Ngoài ra, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất 10 giải pháp và công việc trọng tâm thực hiện khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố như: đảm bảo công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch… |
Bắt buộc mặc áo phao khi tham quan du lịch đường thủy Ông Đặng Hòa, Chủ tịch Chi hội du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng đề nghị, thành phố “cởi trói” cho một số quy định mà theo ông là không còn phù hợp như việc bắt buộc du khách phải mặc áo phao khi lên tàu... Bên cạnh đó, ông Hòa cho hay, phần lớn tàu du lịch của TP Đà Nẵng đều vay vốn từ ngân hàng. Qua 2 năm dừng hoạt động, các tàu gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, đề xuất các ngân hàng kéo giãn thời gian nợ để có điều kiện trả nợ ngân hàng tốt hơn. "Quy định mặc áo phao thì đúng rồi, nhưng mà về mùa hè, mặc áo phao mà ăn uống này kia thì khách vô cùng bức bối, cho nên chúng tôi đề nghị thay vì mặc áo phao suốt trên hành trình thì để áo phao gần bên cạnh đó để sử dụng mà thôi”, ông Hòa đề xuất. Trước đề xuất trên, theo ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, trước đây, UBND TP Đà Nẵng đã họp rất nhiều lần về vấn đề nghiên cứu một số loại áo phao dành cho du khách. Nhưng sau khi đưa ra một số mẫu, chi phí quá cao nên các doanh nghiệp cảm thấy đầu tư phao không hiệu quả. Tuy nhiên, về vấn đề an toàn thì phải duy trì việc mặc áo phao. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã có một bài học rất đau đớn vào năm 2016 khi chìm tàu Thảo Vân 2. “Do vậy, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định an toàn tính mạng của hành khách lên hàng đầu. Khi xảy ra sự cố, phải xử lý hậu quả để lại rất phức tạp”, ông Minh thông tin. Liên quan đến vấn đề mặc áo phao khi đi du lịch trên sông, ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Quỹ xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, cái quan trọng nhất là sinh mạng con người. Chúng ta làm gì cũng phải phục vụ nhân dân. “Yêu cầu đầu tiên đối với tất cả các hoạt động, kể cả hoạt động kinh doanh là đảm bảo an toàn tuyệt đối, chứ không phải so sánh đò ngang. Tôi cũng thống nhất với Sở GTVT là nghiên cứu loại áo phao phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Dũng khẳng định. |