Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An và các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định số 67 tổ chức rà soát, làm việc trực tiếp với các chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế theo các tiêu chí như: thật sự có khó khăn không trả được nợ, hoạt động không hiệu quả nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề, khai thác có hiệu quả nhưng chây ỳ trả nợ… Trên cơ sở đó, tham mưu trình UBND tỉnh có các biện pháp xử lý cụ thể.
Đến nay, Nghệ An có 104 tàu đóng mới theo Nghị định 67 với tổng công suất là 83.832CV, trong đó tàu vỏ gỗ 90 chiếc, tàu vỏ thép 9 chiếc, tàu vỏ composite 5 chiếc. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 là 860 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, chỉ có 31 tàu hoạt động có hiệu quả, trả nợ gốc/lãi đúng cam kết. Có 59 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết với dư nợ 438,4 tỷ đồng, dư nợ gốc quá hạn là 121,74 tỷ đồng. Trong số này có 51 khách hàng bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu là 366,6 tỷ đồng, 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản dư nợ 39,3 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến tàu cá đóng theo Nghị định 67, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các chủ tàu hoạt động theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác, làm tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá; thường xuyên nắm bắt tình hình, hiệu quả hoạt động của các chủ tàu; đề xuất các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ… Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 91 tàu đóng theo Nghị định 67, trong đó có 59 tàu vỏ gỗ, 31 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite. Đến nay, tổng vốn vay là 989,667 tỷ đồng, đã trả nợ được 117,271 tỷ đồng, còn dư nợ 872,396 tỷ đồng.