Tìm hiểu về lịch sử chữ quốc ngữ

Ngày 28-7, tại Đường sách TPHCM, Công ty sách Omega Plus phối hợp NXB Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)". Đây là công trình tiếp theo của TS Phạm Thị Kiều Ly được xuất bản, thuộc tủ sách “Hiểu Việt Nam qua các tư liệu Pháp ngữ” của Omega Plus.

Trước Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919), TS Phạm Thị Kiều Ly từng kết hợp với họa sĩ Tạ Huy Long ra mắt truyện tranh Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, do NXB Kim Đồng ấn hành vào năm 2023. Mới đây, chị ra mắt thêm ấn phẩm 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ (Omega Plus và NXB Khoa học xã hội).

IMG_9034.JPG
TS Phạm Thị Kiều Ly (phải) cùng các khách mời tại chương trình giao lưu

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) của TS Phạm Thị Kiều Ly là cuốn sách xuất phát từ luận văn tiến sĩ tại Pháp, đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, ngôn ngữ, để kể cho độc giả nghe câu chuyện về hành trình sáng tạo, phát triển và tác động văn hóa của chữ quốc ngữ trong suốt hơn ba thế kỷ.

Mặc dù đây là cuốn sách chứa đựng những giá trị cốt lõi của luận văn tiến sĩ, tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng độc giả khác nhau: trẻ em, bạn đọc phổ thông và những nhà nghiên cứu, TS Phạm Thị Kiều Ly đã phát triển thêm hai ấn phẩm Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ.

Tính đến nay, kể từ thập niên 20 của thế kỷ 17, chữ quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát triển khoảng 400 năm. Đó là một hành trình đủ dài để một hệ thống ngôn ngữ được hình thành và phát triển trở thành ngôn ngữ viết chuẩn mực. Nó giống như một dòng sông thu nhỏ, âm ỉ chảy trong dòng lịch sử dân tộc, âm thầm và lặng lẽ bên cạnh chữ Nôm và chữ Hán. Kể từ năm 1919, tức mới chỉ khoảng 100 năm qua, chữ quốc ngữ mới được đón nhận và sử dụng rộng rãi bởi mọi thành phần người Việt.

Có thể nói, những công trình của TS Phạm Thị Kiều Ly, đặc biệt là ấn phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) có tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay dựa trên nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nên đọc để hiểu về nguồn cội chữ viết chúng ta đang dùng hàng ngày.

Tại chương trình, TS Phạm Thị Kiều Ly cho biết, từ năm 2022, sau khi hoàn thành công trình về chữ quốc ngữ, chị đã chuyển sang một hướng nghiên cứu mới về lịch sử chữ viết hệ La-tinh của tiếng Ba Na. Hiện chị đã ký hợp đồng với NXB Kim Đồng để thực hiện truyện tranh Lịch sử chữ viết tiếng Ba Na, sẽ được ra mắt vào năm sau.

“Ngoài ra, bên cạnh những xuất bản học thuật của mình, tôi sẽ cố gắng hướng đến việc làm thêm những ấn phẩm liên quan để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả”, TS Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ.

Nhiều khách mời có mặt tại chương trình đều đánh giá cao hướng nghiên cứu của TS Phạm Thị Kiều Ly. Đặc biệt, để hoàn thành luận văn tiến sĩ, và sau này là những công trình về lịch sử chữ quốc ngữ, chị đã có khoảng 10 năm nghiên cứu và tìm tòi tài liệu ở các khu lưu trữ ở Roma (Vatican), Lisboa (Bồ Đào Nha), Madrid, Avila (Tây Ban Nha).

Tin cùng chuyên mục