Tham dự buổi chia sẻ “Văn hóa và câu chuyện truyền thông” do nhóm Gấc đỏ (một dự án được thành lập vào ngày 1-1-2021 bởi các bạn trẻ thế hệ gen Z - sinh năm từ 1996 trở về sau), Phan Thị Thanh Ngân (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc thì chúng ta đã nghe nhiều từ khi còn đi học, nhưng bàn luận cụ thể về việc khai thác chất liệu văn hóa truyền thống như thế nào để mở đường cho các sản phẩm kinh doanh, thì là lần đầu tiên tôi tham dự. Nghe chia sẻ từ các diễn giả và câu hỏi của những người tham dự đặt ra, tôi thấy mình hời hợt với văn hóa truyền thống, nên đôi khi ứng dụng yếu tố văn hóa vào sản phẩm kinh doanh chưa có chiều sâu và thực sự hấp dẫn”.
Làm việc trong lĩnh vực thiết kế, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, Nguyễn Vũ Thanh (28 tuổi, nhân viên đồ họa) cho biết: “Tôi thấy vấn đề talkshow đề cập rất hay, hiện nay các sản phẩm và bản thân tôi cũng nhận nhiều yêu cầu từ khách hàng, đòi hỏi có yếu tố văn hóa trong các thiết kế. Trào lưu hay xu hướng mới có cái hay của riêng nó, nhưng đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào các thiết kế cũng có lợi thế riêng, đó là sự thân quen và gần gũi với mỗi người chúng ta. Vấn đề là phải khai thác hài hòa và có chiều sâu, điều này cần phải tìm hiểu kỹ, tham khảo nhiều tài liệu và thực tế”.
Nhóm thực hiện buổi chia sẻ trên là Gấc đỏ, một dự án được thành lập từ những người trẻ, nỗ lực kể những câu chuyện văn hóa bản địa trải dọc theo chiều dài đất nước qua một góc nhìn mới, để thu hút nhiều người trẻ hiện đại quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống. Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các buổi talkshow về văn hóa, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm.
Nguyễn Ngọc Mỹ Trân (thành viên sáng lập Gấc đỏ) cho biết: “Chúng em hy vọng có thể góp phần truyền bá nét đẹp văn hóa Việt đến nhiều người hơn, và có thể lưu giữ lại những điều quý báu này để càng nhiều người được thấy và nhớ về nó. Mạng xã hội có hiệu ứng lan tỏa rất nhanh, nên mỗi bài viết Gấc đỏ đều thể hiện hai ngôn ngữ Việt - Anh để những người bạn nước ngoài có thể theo dõi và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam”.
Hoạt động trong mùa 2 của Gấc đỏ tập trung vào chủ đề “Hòa hợp không hòa tan”, khai thác góc nhìn văn hóa theo hướng hiện đại, độc đáo hơn. Mở đầu bằng sự kiện “Mùa hạ trên áo em” chia sẻ hình ảnh và bài viết cảm nhận về chủ đề tựu trường, và gần nhất là talkshow trực tuyến “Văn hóa và câu chuyện truyền thông”, tổ chức ngày 31-10.
Gần 1 năm hoạt động, fanpage Gấc đỏ thu hút 8.700 lượt theo dõi từ người dùng mạng xã hội. Câu chuyện về những phong tục tập quán, trò chơi dân gian, ẩm thực theo vùng miền… được các bạn trẻ biên soạn lại, cùng những hình vẽ minh họa để giới thiệu lên fanpage.
Gấc đỏ hoạt động phi lợi nhuận, mỗi thành viên một công việc theo khả năng của mình. Điều khó khăn nhất với các bạn trẻ là ý tưởng và cách thực hiện, bởi văn hóa là một phạm trù rất rộng. Để hoàn thành mỗi bài viết, nhóm bạn trẻ tỉ mỉ trong từng hình minh họa, chăm chút hàng giờ để đọc và tham khảo các nguồn tài liệu.
“Thực sự mỗi thành viên trong nhóm cũng chưa thể nào hiểu rõ toàn bộ về nền văn hóa nước nhà. Với mỗi bài viết, nhóm đọc rất nhiều tài liệu và gần như mỗi thành viên đều tham gia đóng góp, sử dụng nguồn tư liệu từ chính các bạn và người thân của các bạn. Ngoài ra, các nguồn tham khảo cũng được nhóm tìm hiểu để đảm bảo tính chính xác cho bài viết”, Nguyễn Minh Kiều (thành viên điều phối dự án Gấc đỏ) chia sẻ.
“Là những người trẻ, em tin rằng chúng ta nên có trách nhiệm trong việc giữ gìn và lan tỏa những điều giá trị trong văn hóa truyền thống của nước nhà. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa để văn hóa Việt Nam được lan tỏa, đến với bạn bè quốc tế, không chỉ có áo dài, nón lá hay món phở, văn hóa Việt Nam còn rất nhiều câu chuyện thú vị đáng kể và đáng tự hào”, Minh Kiều bày tỏ.
Trên fanpage, người trẻ có thể tìm thấy những chia sẻ mang tính chất chủ quan nhưng đầy hoài niệm, dù tác giả của những bài viết này còn rất trẻ. Ở bài giới thiệu tác phẩm Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), fanpage chia sẻ: “Tuổi thơ dữ dội với mười lăm năm cuộc đời bất tử của những thiếu niên trinh sát như một hồi chuông nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về công ơn của cha ông và trách nhiệm của bản thân trong hành trình ngàn năm dựng xây đất nước”. |