Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ để thêm yêu tiếng Việt

Không còn là chương trình ra mắt sách như thông thường, chương trình giao lưu “Lịch sử chữ quốc ngữ và tiếng Việt” đã trở thành cuộc gặp gỡ của những tình yêu dành cho tiếng Việt với nhiều thông tin bất ngờ và thú vị được các diễn giả hé lộ tại chương trình.

Nhân dịp ra mắt ấn phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659, tối 28-2, tại Đường sách TPHCM, Công ty sách Thái Hà đã tổ chức chương trình giao lưu “Lịch sử chữ quốc ngữ và tiếng Việt” với sự tham gia của 3 diễn giả: GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà văn Trương Văn Dân và TS Nguyễn Mạnh Hùng.

Ngoài TS Nguyễn Mạnh Hùng đang sống và làm việc tại Việt Nam, hai diễn giả còn lại đều đang sống tại nước ngoài, nhưng tình yêu dành cho tiếng Việt vẫn thường trực trong tim. Riêng với nhà văn Trương Văn Dân, ông vẫn sáng tác bằng tiếng Việt. Ông dẫn ra hai câu thơ của nhà thơ Yến Lan: “Chiều nay mở cửa ra trông/ Thấy làng đâu, chỉ thấy lòng mà thôi”, như nói hộ tiếng lòng mà những người sống xa xứ như ông dành cho tiếng Việt.

429931189-10222440487035599-6673896558775350194-n-3505.jpg
Hai ấn phẩm "Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659" và "Tiếng Việt ân tình" sẽ là hai ấn phẩm mở đầu cho tủ sách về tiếng Việt sắp tới của Thái Hà Books

Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659 của tác giả Đỗ Quang Chính từng được xuất bản tại Việt Nam vào năm 1972, nay được Thái Hà Books liên kết với NXB Thế giới, mang trở lại với bạn đọc. Ngay từ khoảng đầu thế kỷ XVII, để thực hiện công cuộc truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự La tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Tác giả Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu các giáo sĩ nói trên để lại, để nghiên cứu giai đoạn hình thành của chữ quốc ngữ ngày nay.

Chia sẻ về lý do xuất bản ấn phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659, TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books, cho biết, người khích lệ ông rất nhiều là GS Nguyễn Đăng Hưng, cũng là người đã khởi xướng thành lập quỹ Tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt, trong đó, nhà văn Trương Văn Dân cũng là một thành viên.

Tại chương trình giao lưu, nhiều thông tin thú vị về chữ quốc ngữ đã được các diễn giả chia sẻ. Chẳng hạn như cha đẻ chữ quốc ngữ không phải là linh mục Alexandre de Rhodes như lâu nay mọi người vẫn mặc định, mà là Francisco de Pina.

img-2216-3298.jpg
Các diễn giả tại chương trình. Từ phải qua: nhà văn Trương Văn Dân, TS Nguyễn Mạnh Hùng và GS Nguyễn Đăng Hưng

GS Nguyễn Đăng Hưng khiêm tốn chỉ nhận mình là người Việt yêu tiếng Việt. Ông cho rằng, nếu không có chữ quốc ngữ thì không có tiếng Việt như ngày hôm nay. “Hồi chữ Nôm, chữ Hán, chỉ có 3% dân chúng người Việt biết viết thôi. Nhưng sau này, khi chữ quốc ngữ ra đời, đại đa số dân Việt nói tiếng Việt được đều viết được. Và hiện nay, theo một thống kê vừa công bố, tiếng Việt chúng ta nằm trong số 20 ngôn ngữ lớn nhất thế giới, đã có có 100 triệu người nói và viết tiếng Việt”, GS Nguyễn Đăng Hưng thông tin.

Theo GS Nguyễn Đăng Hưng, vị trí đó chúng ta sẽ không có được nếu không có chữ quốc ngữ. Trong đó, chúng ta phải tri ân hai ông là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Ông bày tỏ: “Đây là hai người có công lớn nhất, một người tác tạo và một người duy trì, phổ biến. Theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt, chúng ta cần phải tri ân hai người đó".

img-2231-5323.jpg
Nhà văn người Ý Elena Pucillo, vợ nhà văn Trương Văn Dân bày tỏ về tình yêu dành cho tiếng Việt khi trở thành nàng dâu nước Việt

Chị Hà Nga, Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông Thái Hà Books TPHCM, cho biết, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 sẽ là ấn phẩm mở đầu cho tủ sách về tiếng Việt của Thái Hà Books trong thời gian tới. Hiện Thái Hà Books cũng vừa xuất bản ấn phẩm Tiếng Việt ân tình của tác giả Lê Trọng Nghĩa.

“Với mong muốn bảo tồn và lan tỏa tiếng Việt, Thái Hà Books tiếp tục triển khai các bản thảo về tiếng Việt để gửi đến bạn đọc Việt Nam và bạn đọc thế giới, để mọi người đều biết rằng tiếng Việt vô cùng giàu đẹp, với mỗi âm vần, ngữ pháp để khi cất lên tiếng nói như đang cất lên những lời hát với âm điệu trầm bổng”, chị Hà Nga chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục