Rối cơ chế quản lý
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Tư vấn du học trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Chung, giảng viên Khoa Quản lý hành chính (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM), cho biết hoạt động tư vấn du học bắt đầu được công nhận như một ngành nghề từ Quyết định 05/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định công dân ra nước ngoài học tập.
Trong đó, quy định nêu rõ người đứng đầu tổ chức tư vấn du học và đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn phải có trình độ từ đại học trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Để được cấp phép hoạt động, đơn vị phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, ký quỹ hoạt động 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại để đề phòng rủi ro…
Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư được ban hành năm 2014, tư vấn du học không nằm trong danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp tư vấn du học không cần giấy chứng nhận hoạt động do Sở GD-ĐT cấp, đồng thời cơ quan quản lý cũng không còn cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát loại hình này. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn sở GD-ĐT tỉnh, TP hỗ trợ các đơn vị giải quyết việc rút tiền ký quỹ tài chính tại ngân hàng, đồng thời khẳng định tất cả quyết định cấp phép hoạt động do sở GD-ĐT tỉnh, TP cấp sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành).
Ngày hội tư vấn du học do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức sáng 18-5
Chưa đầy một năm sau đó, ngày 21-4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó công nhận tư vấn du học là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho các tổ chức đủ điều kiện, đồng thời có thẩm quyền thu hồi giấy này khi tổ chức không đạt yêu cầu.
Đáng nói, Nghị định 46 không quy định người đứng đầu tổ chức tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học như quy định trước đó. Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Qua đó cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý.
Vai trò của trường học và phụ huynh
Th.S Lý Thị Xuân Hồng, chuyên viên Phòng Giáo dục tổng hợp, thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp), đánh giá: “Hiện nay, chất lượng hoạt động của các tổ chức tư vấn du học chưa cao vì còn chạy theo số lượng và lợi nhuận. Nhiều cơ sở mọc lên tràn lan nhưng chỉ quan tâm làm sao “xuất khẩu” càng nhiều học sinh ra nước ngoài càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động”. Dư luận từng ghi nhận nhiều trường hợp các công ty tư vấn quảng cáo tuyển sinh không đúng ngành nghề đào tạo, tư vấn thiếu trung trực, có dấu hiệu lừa đảo, “đem con bỏ chợ” gây bức xúc cho người học.
Theo trang thông tin điện tử chính thức của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tính đến ngày 23-3-2018, cả nước có 890 công ty tư vấn du học được cấp phép hoạt động. Năm 2016, Việt Nam có 130.000 du học sinh, trong đó chỉ có 10% được nhận học bổng du học (từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước, tài trợ của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế…), 90% trường hợp còn lại du học bằng kinh phí tự túc. Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong danh sách 10 quốc gia có số lượng du học sinh nhiều nhất thế giới.
Thêm vào đó, theo Th.S Trịnh Thị Bích Xuyên, giảng viên Khoa Quản lý hành chính (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM), hình thức khá phổ biến hiện nay là các công ty tư vấn du học ký hợp đồng trực tiếp với trường phổ thông để tổ chức tư vấn cho học sinh; dù rằng trong các quy định về nhiệm vụ, chức năng của trường học thì nhà trường chỉ có chức năng hướng nghiệp, không có chức năng tư vấn du học.
Do đó, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), kiến nghị hoạt động tư vấn du học nếu có không nên tổ chức như một hoạt động chính khóa trong trường học, mà nên tổ chức theo hình thức ngày hội, triển lãm, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia.
Riêng đối với phụ huynh, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhắn nhủ, phụ huynh không nên quan niệm du học là hình thức giúp con đổi đời hoặc đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng quá lớn gây áp lực cho các em. Ngoài ra, theo TS Đinh Văn Vĩnh, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực du học, trước khi quyết định cho con đi du học, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em một số kỹ năng mềm cần thiết cũng như kiến thức về nền văn hóa đất nước sẽ theo học, tránh tình trạng học sinh gặp khó khăn vì xung đột với văn hóa, điều kiện sinh sống và học tập ở nước ngoài. Phụ huynh không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, cam kết của công ty tư vấn mà nên dựa vào kinh nghiệm thực tế từ những người đi trước, cân nhắc yếu tố phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình.
Các trường đại học, cao đẳng và THPT nên thành lập các hội, nhóm hoặc diễn đàn du học sinh để tạo thêm kênh thông tin trao đổi kinh nghiệm, giúp phụ huynh và học sinh có cái nhìn đúng đắn trước khi lựa chọn học tập theo hình thức này.