Giải pháp là đối mặt
Trầy trật sau khi ra trường vốn là chuyện thường tình của giới trẻ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đã gặp phải đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, nhảy việc hay thử sức mình ở nhiều nơi cũng đành nhường chỗ cho cách thích nghi với hoàn cảnh.
“Ra trường ngay mùa dịch, tôi và bạn bè có lúc nản lắm, công việc còn chưa chắc chắn chứ nói gì đến những dự định xa xôi. Tôi bắt đầu nhận thêm những hợp đồng viết nội dung quảng cáo bên ngoài để kiếm thêm. Rồi lên mạng học cách phát triển social media, hiện tại tôi cũng sở hữu fanpage và có thể kiếm thêm quảng cáo từ đó”, Thanh Ngân chia sẻ thêm.
Tương tự như Ngân, từng lo lắng không tìm được việc sau khi ra trường, Nguyễn Hoàng Ngọc Tuấn (24 tuổi, kỹ sư phầm mềm, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp cuối năm 2020, sau đó phải tìm việc online thôi. Ban đầu, lo lắm, phải tìm việc để trang trải chi tiêu chứ ra trường rồi không thể trông chờ ba mẹ trợ cấp hoài được. Tôi bắt đầu nhận hợp đồng làm online, phân chia từng dự án để xen kẽ công việc, thu nhập tất nhiên sẽ không bằng làm trực tiếp, có công ty ổn định. Nhưng từ đầu năm 2021 đến giờ, tôi vẫn sống khỏe với thu nhập mỗi tháng, mọi thứ chi tiêu vừa phải chứ không cần tiết kiệm quá nhiều. Có sợ hay không thì chúng ta vẫn phải đối mặt với dịch bệnh, nên chỉ cần có công việc để làm trước đã, khi mọi thứ qua đi lúc đó tính chuyện nhảy việc, tìm việc phù hợp hơn vẫn chưa muộn”.
Ở nhà thích mà
Làm việc online, Work from Home (WFH - làm việc tại nhà) không còn là giải pháp thích ứng trong mùa dịch, nó trở thành xu hướng làm việc trong giới trẻ.
Ăn mặc chỉnh tề và trang điểm nhẹ như đi làm thường ngày, Ngô Thị Tú An (26 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Phú Nhuận) ngồi vào bàn và mở máy tính để họp online đầu tháng. Sau cuộc họp online, cô bạn tranh thủ chụp vài tấm hình làm việc tại nhà và chia sẻ lên nhóm nội bộ của công ty trên mạng xã hội. Tú An chia sẻ: “Công ty tôi có cuộc thi WFH theo tháng, mỗi nhân viên chia sẻ hình làm việc tại nhà, cuối tháng hình ảnh nào nhiều thích sẽ có phần thưởng nhỏ cộng vào lương, cũng là cách để động viên tinh thần”.
Nhiều doanh nghiệp cũng lập những nhóm nội bộ trên mạng xã hội để nhân viên thi hình ảnh làm việc tại nhà hay hình ảnh vào bếp nấu ăn. Mạng xã hội những ngày này cũng trở thành nơi để trút mọi suy tư của nhiều người, hàng loạt nhóm “Ở nhà thích mà”, “Ở nhà vui thấy bà”, “Ở nhà cũng đẹp”, “Ở nhà thật phong cách”… nở rộ trong những ngày giãn cách. Mỗi nhóm thu hút từ vài ngàn đến hơn 1,5 triệu tài khoản mạng xã hội tham gia, hàng trăm lượt bài viết chia sẻ hình ảnh làm việc online, công thức nấu ăn, trồng hành… từ nhiều bạn trẻ.
Thành lập và quản lý nhóm “Ở nhà vui mà” có hơn 5.000 tài khoản mạng xã hội tham gia, Đặng Thị Ngọc Hiếu (28 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ: “Tôi lập nhóm này từ Tết 2021, vì lúc đó có dịch, mọi người không thể đi chơi, du lịch. Được nhiều người ủng hộ tôi duy trì đến giờ, từ đầu năm tới giờ công ty tôi chuyển hoàn toàn sang làm việc online, nên tôi có nhiều thời gian để tương tác với thành viên trong nhóm. Đợt giãn cách này kéo dài, nhưng tôi thấy mọi người bắt đầu quen dần và vui vẻ chia sẻ với nhau cách trồng rau, trồng hành tại nhà. Có những ngày hành lá lên giá, mọi người chỉ nhau cách trồng hành vui lắm”.
Thường xuyên chia sẻ những công thức nấu ăn nhanh và đơn giản trong các nhóm này, Nguyễn Thành Ơn (24 tuổi, ngụ quận 6) cho biết: “Lúc này nếu không học cách thích nghi với những ngày giãn cách kéo dài thì chính mình làm khó mình thôi, tình hình dịch đang căng thẳng vậy mà. Xong việc online thì tôi chia sẻ công thức nấu ăn trong các nhóm, có bữa nấu không thành công, mọi người cũng cười quá chừng, ở nhà cũng vui, cũng tự tạo được tiếng cười và kết nối với mọi người”.
Giữa lúc ảnh hưởng vì dịch, bạn trẻ học cách thích nghi và ứng biến linh hoạt là cách để tìm cho bản thân một góc bình yên và bình an đi qua mùa dịch.