Chiếu nhiều khung giờ, trừ giờ vàng!
Trên sóng VTV, do đặc thù là kênh truyền hình quốc gia và có các kênh sóng cho từng vùng miền nên các chương trình sân khấu khá đa dạng vào nhiều khung giờ khác nhau, gồm nhiều thể loại: kịch nói, cải lương, tuồng, chèo…
Đặc biệt kênh VTV9 - kênh truyền hình quốc gia hướng tới khán giả khu vực Nam bộ, VTV5 Tây Nam bộ - dành cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực ĐBSCL, VTV8 cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thường xuyên phát sóng các vở cải lương. Trong khi đó, trên 2 kênh VTV1, VTV4, kịch và chèo phổ biến hơn.
Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý và nhiều yếu tố khách quan - chủ quan chi phối nên hầu hết các chương trình sân khấu trên VTV đều không được phát sóng vào các khung giờ vàng hàng ngày. Khung giờ này hầu hết dành cho các chương trình gameshow, truyền hình thực tế và phim truyện truyền hình. Đây cũng là điều phổ biến trên sóng HTV, THVL khi có thêm thể loại phim sitcom (hài tình huống) đang nở rộ, được ưa chuộng.
Nhìn vào lịch phát sóng của VTV và HTV dễ thấy có quá nhiều khung giờ phát sóng khiến sân khấu yếu thế, không thể giúp các chương trình, tác phẩm, tiếp cận thuận lợi với khán giả màn ảnh nhỏ. Trong tuần, các kênh VTV có những giờ phát sóng các chương trình sân khấu vào khung giờ: 1 giờ 25, 1 giờ 30, 1 giờ 50, 10 giờ, 14 giờ, 14 giờ 10...
Hai kênh chính của HTV lâu nay duy trì thực hiện các chương trình sân khấu Hai mùa mưa nắng, Chuyện bốn mùa, Nghệ sĩ và sàn diễn, Siêu thị cười, Tiếng đàn tri âm... nhưng giờ phát sóng cũng rơi vào những thời điểm khán giả khó đón xem như 23 giờ, 23 giờ 30, 1 giờ , 3 giờ, 14 giờ 30... Chưa kể một số chương trình chỉ phát sóng mỗi tháng một lần, vào chủ nhật giữa tháng hay chủ nhật tuần thứ 3, thứ 4 trong tháng. Có chương trình mỗi tuần diễn 1-2 số, dù là định kỳ trong tuần (chưa tính giờ phát lại)... nhưng vẫn chưa tạo được sự bứt phá nên khán giả chưa thể nằm lòng, chịu chú ý đón theo dõi xuyên suốt.
Khán giả Anh Đào (quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, tôi rất thích kịch truyền hình, điển hình là chương trình Trong nhà ngoài phố, sau này có Vầng trăng cổ nhạc, Đường đến danh ca vọng cổ… Nhưng gần đây, tôi khó theo dõi được các chương trình sân khấu truyền hình, một phần do không nắm được lịch phát sóng và cũng vì chất lượng tác phẩm không được như trước đây. Chúng tôi hiện có quá nhiều lựa chọn các chương trình giải trí, gameshow, truyền hình thực tế, phim truyện Việt Nam và nước ngoài… Thế nên, theo dõi các chương trình sân khấu phải là những ai thực sự yêu thích mới tìm kiếm khung giờ phát sóng và chờ đợi theo dõi. Nhiều khi nhớ các vở diễn xưa, tôi nhờ người thân tìm kiếm trên YouTube xem đỡ ghiền”.
Thay đổi và bắt nhịp thời đại
Hiện nay, các đài truyền hình luôn tạo dựng và duy trì hoạt động các kênh nội dung rất riêng dành cho nhiều đối tượng khán giả, từ kênh thiếu nhi và gia đình, kênh thể thao, kênh giải trí tổng hợp - phim ảnh, kênh phụ nữ, kênh mua sắm tiêu dùng, kênh du lịch cuộc sống..., nhưng vẫn chưa có một kênh riêng biệt dành cho các loại hình sân khấu.
Đạo diễn Hoàng Duẩn cho rằng: “Nếu được, chúng ta nên lập kênh riêng về sân khấu truyền hình, từ các chương trình thiếu nhi đến người lớn, cải lương, kịch, hát bội, đờn ca tài tử...; kể cả các vở kịch về sinh viên, công nhân được đầu tư chất lượng cũng nên có nơi để phát sóng dài hơi. Chỉ khi có kênh riêng dành cho sân khấu truyền hình, lúc đó mới có thể sắp xếp lịch phát sóng định kỳ, có giờ phát sóng rõ ràng để tạo thói quen xem sân khấu truyền hình cho khán giả”.
Ở một góc nhìn khác, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, người từng hợp tác với đài truyền hình làm hàng trăm số chương trình Chuyện ngày xưa (tiền thân của chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu kịch Idecaf), tâm tư: Cũng phải thông cảm về vấn đề tài chính của nhà đài, tùy chương trình đưa vào giờ vàng thì mới có thu. Bù lại, các chương trình có thể phát lại trong hệ thống YouTube, trên hệ thống truyền hình online từng đài. Vậy nên, chuyện phát sóng giờ xấu - giờ tốt dường như không ảnh hưởng nhiều nữa, khán giả hôm nay có thể xem bất kỳ chương trình nào, giờ nào, ở đâu cũng được.
Vấn đề quan trọng, theo tôi vẫn là sản phẩm sân khấu có hấp dẫn hay không? Ngôn ngữ truyền hình đừng làm kiểu cho có, đủ chỉ tiêu, như vậy chắc chắn sản phẩm sẽ không hay. Thời gian sau này, kịch truyền hình ở hầu hết các đài đều bị vậy. Điều đó khiến khán giả suy nghĩ xem cũng được, không xem cũng không sao. Nếu vở diễn sân khấu truyền hình thật sự hấp dẫn thì khán giả sẽ nao nức đón xem, bất kể giờ giấc.
Để các sản phẩm sân khấu truyền hình rút ngắn khoảng cách với khán giả màn ảnh nhỏ, rất cần chú trọng đến nhu cầu thực tiễn của khán giả sân khấu truyền hình hôm nay cần gì, để tìm hướng đi mới.
Cách đây không lâu, gia đình khán giả Nguyễn Ngọc Mai (quận Tân Bình, TPHCM) mỗi tối thường ngồi canh giờ chờ xem phát sóng sân khấu cải lương của Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, nhưng thời gian qua, đài đã hủy khung giờ phát sóng chương trình sân khấu này. Trên kênh HTV, 2 chương trình cải lương định kỳ Vầng trăng cổ nhạc và Ngân mãi chuông vàng chỉ lên sóng mỗi tháng một lần nên người lớn tuổi không thể nhớ canh xem được.
Chị Mai nói: “Việc không duy trì các chương trình sân khấu trên sóng truyền hình là một thiệt thòi cho khán giả, khiến nghệ thuật cải lương bị mai một. Hồi xưa, ông bà, ba mẹ ngồi trước tivi xem cải lương; con cái còn trẻ, nhỏ tuổi, dù không thích xem nhưng vẫn được nghe thường xuyên, riết rồi cũng thấm dần, cảm rồi thích và ghiền lúc nào không hay. Giờ mở truyền hình lên thấy là gameshow, nhạc trẻ, phim nước ngoài... quá nhiều. Cần lắm một kênh truyền hình riêng phục vụ những lớp khán giả từ trung niên đến lớn tuổi thích xem kịch, cải lương”.
Hiện tại, nghệ sĩ có tên tuổi chọn tham gia các gameshow, truyền hình thực tế; diễn viên trẻ còn mê và bám trụ nghề thì chưa thể nổi danh cùng sản phẩm sân khấu truyền hình. “Đạo diễn hay biên kịch xem vở diễn của mình đầu tư bao công sức lại phát sóng lúc 1-2 giờ sáng, hoặc buổi trưa ngày trong tuần thì thật chạnh lòng. Bài toán kinh tế đã làm luẩn quẩn những người làm nghệ thuật truyền hình”, đạo diễn Hoàng Duẩn nói. |