Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89%-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Rác thải tăng 16%/năm
Theo Bộ TN-MT, cả nước hiện có lượng CTRSH khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60% - riêng Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có 7.000-9.000 tấn. Từ nay đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTRSH dự báo tăng 10%-16%/năm. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, “đe dọa” khả năng hoàn thành mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội, cho biết, Việt Nam đang thải khoảng 31,3 triệu tấn CO2 /năm. Với đà phát triển hiện nay, tới năm 2050, nước ta sẽ thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm. Năng lực hấp thụ của rừng nước ta hiện nay khoảng 60-70 triệu tấn/năm, chỉ đủ để hấp thụ lượng khí thải sinh ra do rác, trong khi hàng loạt ngành năng lượng, giao thông, nông nghiệp… cũng gây phát thải lượng khí nhà kính rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, điều kiện hạ tầng xử lý lượng rác này còn nhiều bất cập. Các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, nên mưa gió khiến rác rò rỉ, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay ô nhiễm không khí. Phương tiện vận chuyển rác cũng chưa đủ tiêu chuẩn. Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa tốt do mới mang tính chất khuyến khích. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, có thể phân loại rác thải theo 3 loại: rác thải có thể tái chế được, rác thải thực phẩm và rác thải để xử lý. Nhưng chứa chất thải bằng gì, phương tiện vận chuyển gì, công nghệ gì thì chưa có hướng dẫn thống nhất. Hầu hết lượng rác thải hiện nay được xử lý bằng phương thức chôn lấp, nhưng chỉ có 15% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Càng ít “tài nguyên rác” càng tốt
Rác là một loại tài nguyên, nhưng là “tài nguyên bất đắc dĩ” - ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia cao cấp Dự án 4E, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, nhận định. Không quốc gia nào mong muốn nhiều rác, kể cả để phát điện, vì chi phí tốn kém và phải xử lý nhiều vấn đề để bảo vệ môi trường. Phải giảm tối đa tổng lượng chất thải bằng những chính sách như trả chi phí thải rác, càng thải nhiều càng phải trả nhiều; đưa ra mức phạt thực khách lãng phí thức ăn; tái sử dụng, tái chế, thu hồi vật liệu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, trăn trở: “Chúng ta đã quy định rác thải phải phân loại tại nguồn, nhưng phân loại xong rồi phải xử lý thế nào? Nếu chúng ta phân loại xong, xe lấy rác gom lại chung nhau thì là việc làm không hiệu quả”.
Tính đến nay, nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý tổng hợp CTRSH đã được hoàn thiện và ban hành như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn. Dù vậy, số dự án xử lý CTRSH được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi rất ít; cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội, nhìn nhận, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội những chỉ tiêu về bảo vệ môi trường cụ thể hơn, gắn nội dung chiến lược hàng năm, 5 năm, 10 năm phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường để đại biểu Quốc hội và cử tri cùng giám sát. Các chỉ tiêu này cần bao quát được tất cả lĩnh vực môi trường. Cần thiết có những mục tiêu đột phá như: giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp, tăng tỷ lệ xử lý rác thải, nước thải cũng như giảm chỉ tiêu khí CO2, bụi mịn; lượng hóa thật cụ thể, kèm theo phương pháp đo lường để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Đề nghị Bộ TN-MT chủ trì cùng Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền mô hình đầu tư hợp tác công - tư; cơ chế tạo nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường để tái đầu tư xử lý rác. Chính quyền địa phương rà soát để ưu tiên, bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là hạ tầng phục vụ thu gom và trung chuyển CTRSH.
Ông NGUYỄN THƯỢNG HIỀN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT: |