(SGGPO).- Sáng nay 16-8, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo quốc tế để tìm giải pháp trùng tu chùa Cầu Hội An đã 400 năm tuổi.
Các chuyên gia trong và ngoài nước tìm giải pháp trùng tu chùa Cầu. Ảnh: Nguyên Khôi
Trong khoảng 400 năm tồn tại, vấn đề gìn giữ, trùng tu chùa Cầu đã được cộng đồng cư dân Hội An quan tâm thực hiện, bằng chứng là dữ liệu lịch sử rất có giá trị hiện còn được bảo lưu tại di tích. Đặc biệt, từ sau năm 1975 đến nay, công tác trùng tu chùa Cầu đã nận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 400 tồn tại, bên cạnh yếu tố về thời gian, tác động của con người, môi trường cùng thiên tai bão lũ được xem là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của chùa Cầu. Hiện nay, chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng. Hàng ngày, chùa Cầu phải đón tiếp một lượng lớn du khách tham quan với trung bình 4.000 lượt/ngày. Phía dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy Khe Ồ Ồ tại điểm chùa Cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước. Những tác động này đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt; nhiều cột, vị kèo có dấu hiệu hư hỏng, mục rỗng,... Bên cạnh đó, chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, vị trí này có dòng nước chảy rất mạnh nên mỗi khi có lụt càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích.
Chùa Cầu là một trong những di tích có giá trị của quần thể Di sản văn hóa thế giới Hội An. Ảnh: Nguyên Khôi
Chùa Cầu Hội An đang xuống cấp. Ảnh: Nguyên Khôi
Tại hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu của Nhật Bản, cùng thảo luận về nguyên nhân và mức độ xuống cấp, những quan điểm và giải pháp cho việc trùng tu; đề xuất giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy đối với chùa Cầu.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, người có nhiều năm theo dõi các hoạt động bảo tồn di sản Đô thị cổ Hội An, có hai vấn đề cấp bách cần được xử lý triệt để trong dự án tu bổ, tôn tạo chùa Cầu trong thời gian tới. Một là cần ưu tiên tìm biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả vào Khe Ồ Ồ chảy dưới chùa Cầu để cư dân Hội An cũng như du khách có được cảm giác thư thái khi đến tham quan. Thứ hai, nên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để khảo sát đánh giá lại khả năng chịu lực và độ bền vững của bộ phận móng, trụ cầu trước khi đưa ra quyết định về giải pháp trùng tu.
Bà Negoro Chizuko, Bí thư Ban Văn hóa và truyền thông, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá cao việc tổ chức hội thảo trước vấn đề trùng tu chùa Cầu và cho biết, chùa Cầu là biểu tượng văn hóa Nhật Bản giữa lòng phố cổ Hội An, kỹ sư Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kỹ sư Việt Nam, giúp đỡ kỹ thuật, ý tưởng để trùng tu chùa Cầu.
Chùa Cầu có tên gọi khác là cầu Nhật Bản (do người Nhật xây dựng vào thế kỷ XVII). Năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cầu là Lai Viễn Kiều với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Kiến trúc độc đáo của công trình là bên cạnh dùng để lưu thông còn có miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ, được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Chùa Cầu là công trình có giá trị đặc biệt về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật,...là hạt nhân tạo nên giá trị nổi bật của Di tích Quốc gia đặc biệt, Di sản Văn hoá thế giới khu phố cổ Hội An, là biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất và con người Hội An - Quảng Nam; là đối tượng nghiên cứu của các ngành; cảm hứng sáng tác của văn nghệ sĩ; là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi tham quan Hội An. |
Nguyễn Trang - Nguyên Khôi