Việc này đi ngược xu hướng gia tăng mảng xanh mà TPHCM đang nỗ lực thực hiện. Công tác chăm sóc mảng xanh, nhất là cây cổ thụ trong trường học xem ra không còn là chuyện nhỏ, từ kinh phí đến chuyên môn.
Biện pháp tình thế
Bên cạnh những trường “thà đốn nhầm còn hơn bỏ sót” khiến nhiều cây cổ thụ trong sân trường bị đốn hạ thì vẫn có những trường cố gắng chăm chút giữ gìn cây xanh.
Cây phượng 33 năm tuổi nằm gần cổng chính Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) mới đây được gia cố bằng một giá sắt 4 trụ đỡ và một vòng sắt hàn bao quanh thân cây. Cây xanh này mới được trường chuyển từ nơi khác về trồng nên phải làm giá đỡ để cây không bị tác động bởi dông gió. Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, chi phí làm giá sắt này là 6 triệu đồng, được trích từ các khoản đóng góp của học sinh. Song, làm giá đỡ cho cây chỉ là biện pháp tình thế và có tác dụng với cây tuổi đời nhỏ, cây mới trồng, còn đối với các cây cổ thụ thì phương án này không khả thi.
Trong khi đó, tại các trường ở TPHCM, hầu hết đều có cây cổ thụ. Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho biết, biện pháp này còn làm mất không gian vui chơi cho học sinh và học sinh có nguy cơ bị thương nếu mải nô đùa va đụng mạnh vào giá sắt. Cũng vì vậy, nhiều trường chọn phương án cắt tỉa đến trơ trụi cành hoặc hạ độ cao chỉ còn lại phần gốc vài mét. Tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) có 3 cây đa lớn trong sân trường được cắt tỉa chỉ còn lại cành và gốc. Không có tán cây xanh che phủ nên sân trường có những chỗ khá nắng, nóng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), Trường mẫu giáo Hương Sen (quận Phú Nhuận), Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)…
Theo Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, giảng viên Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), việc hạ độ cao cây dễ khiến cây bị sâu bệnh gây hại; một thời gian sau cây sẽ ra các nhánh non, khi lớn các nhánh này sẽ không chắc bằng phần thân và cành phát triển từ ban đầu, dẫn đến tình trạng dễ bị gãy, tét nhánh.
Trong khi đó, Sở Xây dựng khẳng định, cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc, từ kinh phí của trường hoặc được đơn vị hỗ trợ chăm sóc, trồng cây. Vừa qua, Sở Xây dựng phối hợp với một số đơn vị khảo sát công tác quản lý, chăm sóc cây xanh tại 21 trường học trên địa bàn. Khảo sát cho thấy, đa số các trường có định kỳ cắt tỉa, đốn hạ cây xanh nhưng thực hiện chưa đúng kỹ thuật, gây mất mỹ quan và sức sống của cây. Ngoài ra, đa số các cây được trồng trong các bồn, dẫn đến hệ rễ bị bó và khó mọc lan ra. Một số cây cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gãy cành nhánh, ngã đổ. Sở Xây dựng lưu ý các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt là phải hợp đồng với đơn vị chuyên môn chăm sóc cây xanh để thực hiện chăm sóc, quản lý cây.
Trăn trở chuyện kinh phí
Các khuyến cáo về chuyên môn của Sở Xây dựng nêu trên là rất cần thiết. Song, điều quan trọng hơn là kinh phí thực hiện là một gánh nặng đối với các trường. Đơn cử, Trường THCS Lê Văn Tám hiện có hơn 80 cây xanh, chủ yếu là cây trên dưới 10 năm tuổi. Ngoài khoản chi hơn 4 triệu đồng/tháng thuê nhân viên chăm sóc cây xanh thì hàng năm trường cũng chi hơn 30 triệu đồng để mé cành, kiểm tra cây. “Mé cành, kiểm tra cây có kinh phí cao nên chúng tôi kiến nghị quận hỗ trợ nhằm đảm bảo cây xanh trong trường sinh trưởng tốt”, thầy Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Tương tự, Trường Nguyễn Du (quận 10) có 11 cây cổ thụ, mỗi năm chi hơn 20 triệu đồng để mé cây. Trường Marie Curie (quận 3) có hơn 30 cây cổ thụ, trong đó có 20 cây hơn 100 năm tuổi. “Cây xanh trong trường Marie Curie không chỉ tỏa bóng mát mà còn có ý nghĩa lịch sử, vì vậy nhà trường rất áp lực trong việc chăm sóc cây xanh”, thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường chia sẻ. Thầy Khoa cho biết, nhà trường vừa chi hơn 70 triệu đồng thuê Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh thành phố kiểm tra, mé cành. Nguồn kinh phí này trích từ khoản chi cơ sở vật chất hàng năm nên trường gặp khó khăn về kinh phí. Phía nhà trường cũng tính đến phương án kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh. Tuy nhiên, về lâu dài, thầy Khoa kiến nghị thành phố nên đưa cây xanh trong trường học vào danh sách cây thuộc sự quản lý của Nhà nước và nhà trường sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, thông báo khi cây có hiện tượng lạ.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cũng có 12 cây cổ thụ trong khuôn viên trường và một số cây phượng, cây xanh khác có chiều cao khoảng 6m. Mỗi năm trường chi hơn 80 triệu đồng (được trích từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp) cho việc thăm, khám cây xanh. “Đây là khoản tiền không nhỏ, sẽ tạo gánh nặng cho nhà trường. Vì vậy, chúng tôi dự định năm học tới sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng không vận đồng cào bằng với tất cả phụ huynh. Chúng tôi mong muốn các cấp quản lý cho phép và có hướng dẫn để trường thực hiện đúng quy định”, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.
Nói đến việc kêu gọi phụ huynh chung tay đóng góp để hỗ trợ nhà trường thuê đơn vị chuyên môn chăm sóc cây xanh, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 cho rằng, việc xã hội hóa là tự nguyện. Song, nếu phụ huynh nào không đóng thì thành cá biệt, mà đóng thì lại tăng thêm áp lực cho gia đình các cháu có hoàn cảnh khó khăn.
Từ “lỗ hổng” quản lý cây xanh trong trường học hiện nay cũng như việc các trường tự loay hoay tìm cách giữ an toàn cây xanh thì việc đưa cây xanh vào diện quản lý nhà nước là hợp lý và cũng là kiến nghị mà các trường mong muốn thành phố quan tâm, xem xét.
Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cây xanh Việt Nam: Lập hồ sơ quản lý cây xanh trong trường học Cây xanh là một vật thể sống, cần phải được chăm sóc, theo dõi kỹ càng ngay từ khi còn nhỏ. Hiện nay, các trường hầu như trồng và chăm sóc cây không theo một quy chuẩn nào, điều kiện đến đâu làm đến đấy. Trường nào có điều kiện thì thuê công ty chuyên về cây xanh kiểm tra, tư vấn, mé cành. Trường nào điều kiện ít hơn thì đến đâu tính đến đó, thậm chí nhân viên bảo vệ kiêm luôn cả chăm sóc cây. Đã đến lúc các trường cần đưa vấn đề chăm sóc cây xanh vào quy định bắt buộc, thuê đơn vị tư vấn, chăm sóc từ khi bắt đầu trồng cây, bởi họ sẽ biết tuổi cây trồng tốt nhất, phù hợp với điều kiện sân của mỗi trường; đồng thời họ sẽ có hồ sơ theo dõi, quản lý cây. Dĩ nhiên, để làm được điều đó thì phải có kinh phí. Vì vậy, thành phố cần coi cây xanh trong trường học là cơ sở vật chất của các trường, từ đó cần có chi phí hợp lý cho việc trồng, chăm sóc cây xanh. Sau sự cố ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), các trường đã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý cây xanh, song các biện pháp này chưa đồng bộ, chặt chẽ và thiếu tính khoa học. Do thiếu thống nhất trong quản lý nên mỗi nơi làm theo cách riêng. Tôi cho rằng, công tác quản lý cây xanh nên quy về một mối là Sở Xây dựng và được thành phố cấp kinh phí thực hiện. Từ đó, Sở Xây dựng có quy chế phối hợp với các đơn vị có cây xanh để chăm sóc và phân bổ kinh phí thực hiện. Các đơn vị có cây xanh như trường học, bệnh viện… cũng có trách nhiệm theo dõi, báo với cơ quan chuyên môn khi có các biểu hiện cây sâu bệnh để kịp thời xử lý. Thực tế, nếu không có chính sách chung thì việc chăm sóc cây xanh ở các trường học, bệnh viện như thế nào, kinh phí sẽ do ai bỏ ra? Và nếu các đơn vị tự quản lý cây xanh trong khuôn viên thì họ có quyền chặt hoặc bán cây, gây ảnh hưởng đến mảng xanh chung... Trước mắt, cần thống kê lại tình hình cây xanh toàn thành phố, phân loại, từ đó tham mưu cho thành phố biện pháp tổng thể, trong đó cây nào nguy hiểm thì phải đốn. Một số cây tươi tốt nhưng không phù hợp, nên có lộ trình đốn hạ; lưu ý cần trồng cây thay thế đảm bảo mảng xanh rồi mới đốn hạ. |