Theo VINACAS, gần 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu, trở thành quốc gia làm chủ công nghệ; xuất khẩu dây chuyền – công nghệ chế biến điều đến nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, doanh nghiệp ngành Điều vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có những vướng mắc lớn, như quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 của Nghị Định 15/2018/NĐ-CP với quy định sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam; làm thủ tục đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tính đến năm 2023, có hơn 75% sản lượng điều thô nhập khẩu làm nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước châu Phi, chưa nằm trong “danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam”. Do đó, mặc dù điều thô nhập về phải qua kiểm dịch mới được được đưa vào chế biến nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa, trở thành vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Đề án phê duyệt Đề án Phát triển Cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, cùng đó là đề xuất các giải pháp chính sách về thuế, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu điều phục vụ sản xuất chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.