Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để TPHCM cất cánh

Ngày 3-7, UBND TPHCM tổ chức hội thảo Phát triển dịch vụ của TPHCM và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của TP giai đoạn 2020-2030. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cuộc hội thảo đã có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các lãnh đạo cơ quan ban ngành của TP. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến dự và phát biểu.

Rào cản hạ tầng

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM làm rõ sự đóng góp vượt bậc của hạ tầng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của TP. Trong những năm qua, TP luôn kiên trì chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2018, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4% trong cơ cấu ngành của tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). 

Cơ cấu kinh tế TP tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo. Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng 57,1%, cao nhất trong tổng GRDP; trong đó 3 nhóm ngành bất động sản; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục giữ tỷ trọng cao, chiếm 33,4% trong tổng GRDP.
Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để TPHCM cất cánh ảnh 1 Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ góc nhìn khách quan, ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, nhận xét, ngành dịch vụ đã trở thành bước đột phá về phát triển kinh tế của TPHCM, sánh vai cùng với các TP tiên tiến trên  thế giới. Sự phát triển của TPHCM đã vượt địa giới hành chính, lan tỏa sang các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai cũng như đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng doanh nghiệp tăng trong nội thành nhưng lực lượng lao động lại tăng ở khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận, điều này khác biệt với Hà Nội, doanh nghiệp tăng ở đâu thì lao động tăng ở đó. Điều này cho thấy, TPHCM thành công trong việc chuyển đổi các ngành từ truyền thống sang dịch vụ hiện đại.
Phân tích cụ thể hơn, đại diện Sở Công thương TPHCM cung cấp thông số về logistics, bao gồm vận tải, kho bãi, phân phối, từ trung chuyển sản xuất đến tiêu dùng, kết nối thị trường trong nước và quốc tế. Số lượng thống kê cho thấy, TPHCM đang dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 75% đơn vị cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam đặt tại TPHCM, khối lượng vận chuyển hàng hóa của TPHCM chiếm 40% của vùng, đóng góp 35% doanh thu vận tải kho bãi của cả nước.
Hiến kế đột phá hạ tầng
Với sự dịch chuyển tăng mạnh của ngành dịch vụ, nhưng TPHCM đang đối mặt với thách thức, đó là hạ tầng không theo kịp. Tiếp tục về ngành thương mại, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, đến nay TP vẫn chưa có trung tâm logistics đáp ứng các tiêu chí và phương án quy hoạch theo quy hoạch của TP cũng như của cả nước. Hiện nay, TPHCM có 3 chợ đầu mối tạm gọi là trung tâm phân phối, với 10.000 tấn hàng phân phối/đêm với 400 tỷ đồng giá trị hàng hóa. Đối với dịch vụ về hội chợ và triển lãm thương mại cũng vậy, 600 hội chợ triển lãm mỗi năm nhưng chỉ có một nơi đạt yêu cầu với diện tích 10.000m2, còn lại phải tận dụng hội trường, nhà thi đấu, sân vận động, nhà thiếu nhi… để tổ chức. “Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, TP phải tính toán quỹ đất, đồng thời có cơ chế chính sách để giao đất và cho thuê đất thuận lợi; công bố công khai, làm tốt vai trò kiến tạo cho nhà đầu tư; huy động vốn từ nhiều nguồn lực, phần lớn là khối doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đầu tư”, đại diện Sở Công thương TP đề xuất.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, TP có 41 cầu cảng với tổng chiều dài 14km, 61 bến phao, sản lượng hàng hóa năm 2018 thông qua tăng 9% so với năm trước, dự báo sản lượng năm nay vượt công suất quy hoạch đến năm 2020. Tình hình khai thác ở các cảng, sản lượng tăng đều, gây nên ùn tắc tại các quận 2, 9, Thủ Đức, điều này dẫn đến tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Việc kết nối giao thông 90% qua đường bộ, hạn chế đường thủy đã góp phần đội chi phí. Giao thông đường bộ kết nối gần như độc tuyến với các cảng, trong khi các đường vành đai lại chưa hoàn chỉnh. Vấn đề đặt ra, vốn là một phần, nhưng xây dựng thể chế để xây dựng hạ tầng cảng là rất quan trọng.
Một lĩnh vực khác đóng góp rất lớn cho kinh tế TPHCM  nhưng cũng đang bị nghẽn hạ tầng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nêu thực trạng, năm 2016 TP đón 5,2 triệu khách quốc tế, khoảng 20 triệu khách nội địa, đến  2018 đón hơn 7,5 triệu khách quốc tế và 25 triệu khách nội địa. Theo công bố mới đây của Tổ chức du lịch và lữ hành, đến năm 2020, TPHCM sẽ nằm trong tốp 3 của 20 thành phố trên thế giới bùng nổ về du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch đối mặt với các thách thức như: hạ tầng giao thông và kết nối giao thông rất khó khăn. TPHCM có lợi thế sông nước, nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng giao thông thủy. Do vậy, TP cần phải có góc nhìn cởi mở để cho ngành công nghiệp “không khói” cất cánh...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khái niệm của dịch vụ rất rộng, không dừng lại ở ngành truyền thống như du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mà còn tài chính ngân hàng, logistic, kể cả các loại hình về y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao. Hạ tầng dịch vụ rất đa dạng, mỗi ngành hỗ trợ, liên kết với nhau sẽ phát triển tốt hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin. Để làm được điều đó, quy hoạch phải đi trước một bước, TP sắp tới sẽ điều chỉnh, gắn chặt phát triển giao thông, đô thị, thông tin.
Giải pháp tiếp theo, xây dựng một kế hoạch sử dụng đất hợp lý. 26.000ha đất nông nghiệp được Trung ương cho phép chuyển đổi, phải sử dụng như thế nào cho sản xuất công nghiệp, phát triển đô thị nhưng cũng phải dành tỷ lệ thích đáng để phát triển hạ tầng của ngành dịch vụ. Như vậy, kế hoạch sử dụng đất hàng năm TP điều chỉnh tăng cho hạ tầng dịch vụ. Từng ngành phải có trách nhiệm nhanh chóng nghiên cứu xây dựng dự án. Về vốn, nguồn lực nhà nước có hạn, phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân, nguồn vốn của tư nhân trong và ngoài nước. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, đồng chí Võ Văn Hoan lưu ý, phải thay đổi tư duy, có chiến lược phát triển lâu dài, không chỉ đầu tư công trình nhà ở, mà xem đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ là chiến lược, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để từ đó có đầu tư đúng mức.
Lãnh đạo các ngành, đơn vị công lập, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để đáp ứng mong muốn của người dân. Tiếp theo phải có cơ chế chính sách mạnh mẽ, ưu đãi về đất đai, về thuế, đầu tư, xây dựng, tổ chức quản lý và vận hành cơ sở vật chất mà người dân - doanh nghiệp đầu tư liên quan đến đất đai, đất công mới thúc đẩy được đầu tư. Hạ tầng phát triển thì dịch vụ sẽ phát triển, dịch vụ TP phát triển chính là mục tiêu phát triển lâu dài, mang tính chiến lược của TP trong tương lai.

Đầu tư mạnh mẽ cho giao thông

Giáo sư Gyeng Chul Kim, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc, kể lại kinh nghiệm từ Seoul, Hàn Quốc: ban đầu Seoul rất đông đúc, cứ mỗi 5 năm  tăng 2 triệu người (TPHCM - hiện nay mỗi 5 năm tăng 1 triệu người - PV), dẫn đến cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà ở, điện, cấp nước… rối rắm hơn rất nhiều so với TPHCM hiện nay. Phát triển metro là một bước đi quan trọng, từ đó, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt có thể chạy vào từng khu phố; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào việc điều hành phương tiện, thanh toán đã đảm bảo giao thông được thông suốt…

Xin để lại ngân sách đầu tư hạ tầng

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức nhận xét, năm 2019 TPHCM đánh dấu 40 năm công nghiệp hóa. TP nên xin để lại nguồn thu ngân sách, mỗi năm 40-50 ngàn tỷ đồng trong 10 năm sẽ xây dựng được rất nhiều hệ thống đường sắt, metro... mà TPHCM muốn.

Tạo quỹ nhà, đất trong phát triển hạ tầng dịch vụ

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết còn khoảng 18 tháng nữa, TPHCM sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Đại hội này sẽ thảo luận về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho sự phát triển của TPHCM trong 5, 10 năm tới.

Hơn 30 năm qua, dịch vụ luôn là ngành đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của TPHCM, đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng của TPHCM. Dự báo trong thời gian tới, ngành dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì sự đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế của TPHCM. Tuy nhiên, qua khảo sát ở các quận huyện trên địa bàn TPHCM, đất hiện nay hầu hết đã có chủ và được quy hoạch, sử dụng với mục đích cụ thể là nhà ở, cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất… Vậy, trước nhu cầu phát triển dịch vụ trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì TPHCM phải chuẩn bị gì để phục vụ, khuyến khích cho sự phát triển này?

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trường hợp TPHCM đón đầu các doanh nghiệp sản xuất thì phải xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Song, TPHCM đón đầu phát triển các ngành dịch vụ thì phải chuẩn bị những nội dung gì? “TPHCM phải quy hoạch sử dụng đất như thế nào cho dịch vụ?”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục gợi mở và đặt vấn đề, đất ở TPHCM hiện nay đều đã có chủ, đã được quy hoạch sử dụng cho mục đích khác thì TPHCM phải xây dựng những công trình đặc thù (bệnh viện, trường học, khách sạn) hay những công trình chung (văn phòng, chung cư, kho bãi), gắn với phát triển hợp lý về giao thông, viễn thông, cung cấp điện, nước cũng như các hoạt động đảm bảo môi trường như thế nào.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, thời gian qua, TPHCM chưa quan tâm đúng mức cho quy hoạch hạ tầng dịch vụ. Để khắc phục tồn tại này cũng như giúp TPHCM chủ động hơn trong việc chuẩn bị hạ tầng dịch vụ, Thành ủy đề nghị UBND TPHCM, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức hội thảo khoa học. Việc này nhằm làm rõ hơn tính quy luật trong phát triển hạ tầng dịch vụ, đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất tại các cơ sở dịch vụ; triển vọng chuyển đổi các cơ sở từ mục đích sử dụng hiện hữu sang dịch vụ như thế nào. Cùng với đó là kinh nghiệm của quốc tế trong việc tạo quỹ nhà, quỹ đất trong phát triển hạ tầng dịch vụ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng, thông qua những hội thảo sẽ giúp TPHCM có sự chủ động, chuẩn bị tích cực về hạ tầng dịch vụ, đón đầu được sự phát triển. Đồng thời tin tưởng, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, trong đó có các chuyên gia quốc tế như chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường bang New South Wales (Úc), Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cùng các chuyên gia khác, TPHCM có dịp cập nhập kiến thức để chuẩn bị cho TPHCM phát triển một cách tốt nhất.



Tin cùng chuyên mục